Tôi có nhiều cơ duyên thi đấu với các đội tuyển trẻ của Nhật Bản và đã đi tập huấn tại đất nước hoa anh đào đến 4 lần. Cảm nhận chung về người Nhật là sự tỉ mỉ, chính xác và khoa học, được áp dụng từ trong cuộc sống thường nhật cho đến sân cỏ.
HLV Nishino và học trò đều tiếc nuối khi Nhật Bản thua ngược Bỉ trong thế dẫn trước đến 2-0 Ảnh: REUTERS
Đối đầu với các cầu thủ Nhật, trừ khi có một yếu tố đột biến nào đấy về con người hoặc tinh thần thi đấu, còn không thì xác suất để đánh bại được đội bóng xứ sở mặt trời này vô cùng thấp nếu hai đội cùng lứa tuổi.
Chẳng riêng gì bóng đá Việt Nam, ở châu Á này may ra cũng chỉ có Úc, Hàn Quốc và Iran đủ tầm làm đối trọng với Nhật. Khi người Nhật tập trung vào một nhiệm vụ rồi thì họ sẽ cố gắng thực hiện điều đó một cách tốt nhất.
Chadli (22) ghi bàn quyết định cho Bỉ Ảnh: REUTERS
Đội tuyển Bỉ đạt đẳng cấp thế giới, là ứng viên vô địch nên cách họ nhập cuộc cho thấy một phần sự chủ quan. E.Hazard hay Kevin de Bruyne có kỹ thuật thượng thừa nên chuyện họ vượt qua 1-2 cầu thủ Nhật Bản nhờ lợi thế về sức mạnh và thể hình là điều bình thường.
Nhưng xem cách người Nhật cố gắng hạn chế những tình huống tranh chấp bất lợi xuống đến mức thấp nhất mới thấy việc cầu thủ của họ sang Đức, Anh hay Tây Ban Nha chơi bóng mang lại lợi ích đến mức nào. Không bàn về bàn thắng may mắn giúp tuyển Bỉ tạo nên cuộc lội ngược dòng ở 21 phút cuối trận, các thầy ở CLB Viettel đã chỉ cho chúng tôi về bài học làm chủ không gian trong tình cảnh bất lợi của Nhật.
HLV Nishino Akira luôn bố trí 2-3 cầu thủ đánh chặn theo kiểu xa luân chiến. Hazard hay De Bruyne đi bóng ở sân nhà thì không sao nhưng bước đến vạch giữa sân là gặp ngay tình trạng mặt đối mặt với vài ba cầu thủ Nhật. Các ngôi sao tấn công có đẳng cấp thế giới cao đến bao nhiêu chăng nữa cũng không thể tiếp cận khung thành Nhật Bản nếu chỉ tự dùng kỹ thuật cá nhân để xoay xở, buộc lòng bóng phải được phối hợp.
Với việc bố trí những tiền vệ trụ và trung vệ tỉnh táo, Nhật sẽ rình rập, chờ Bỉ mắc sai sót là cướp bóng tổ chức phản công nhanh. Tính toán chi tiết đó đã giúp Nhật Bản chơi hay cho đến khi Inui sút xa nhân đôi cách biệt.
Tuy nhiên, HLV Nishino Akira dường như cũng không tính toán đến khả năng sẽ dẫn trước 2-0 mà chỉ nghĩ đến một tỉ số sát nút nên lúc đó, thay vì kéo trận đấu chậm lại như khi gặp Ba Lan ở vòng bảng, Nhật lại bị cuốn vào thế trận đôi công.
Ba bàn thua là hệ quả tất yếu của việc mất kiểm soát nhưng không phải Nhật thì bất kỳ đội bóng nào gặp Bỉ ở tình cảnh đó cũng khó kiểm soát được tư duy chơi bóng. Quá tiếc cho Nhật Bản nhưng đó cũng là một bài học nữa cho những cầu thủ châu Á, trong đó có chúng ta, về cách đối phó với những đội bóng mạnh hơn.
Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ mang lại tâm lý tự tin và một phần nào đó là kết quả thuận lợi. Nhật là ví dụ hùng hồn; hoặc xa hơn là tuyển Anh, khi họ đánh bại Colombia nhờ đã chuẩn bị rất tốt phương án đá luân lưu khi gặp bất lợi về thể lực và sa sút về tinh thần.
Mời bạn đọc hãy tranh thủ tham gia dự đoán để gửi phiếu sớm nhất đến chương trình trận đấu giữa hai đội Brazil - Bỉ để có cơ hội nhận giải thưởng 1 triệu đồng tại đây.
Bình luận (0)