Trước tiên cần khẳng định "trọng tài được hỗ trợ hình ảnh" (VAR) không phải là một thiết bị công nghệ độc lập.
Tại VCK World Cup lần này, khi lần đầu tiên hệ thống VAR được áp dụng, có 13 trọng tài được lựa chọn làm công tác VAR. Tất cả họ đều làm việc trong một căn phòng được thiết kế đặc biệt ở Moscow, bất kể trận đấu thực tế đang diễn ra ở đâu. Những vị này cũng mặc đồng phục trọng tài giống như họ đang sẵn sàng tiến vào sân điều khiển trận đấu vậy.
Trong số 13 "vị vua" được chỉ định, một người sẽ được chọn cho mỗi trận, cùng 3 phụ tá kỹ thuật và một giám sát của FIFA trong căn phòng đầy màn hình đang truyền tải hình ảnh trực tiếp từ các camera trên sân, kể cả máy quay chậm.
Khi thấy có tình huống cần xác định lại, VAR liên lạc trực tiếp đến trọng tài chính; hay khi trọng tài chính cảm thấy có sai sót, ông có thể liên lạc với VAR để yêu cầu trợ giúp. Trong cả 2 trường hợp, VAR chỉ là người tư vấn, quyết định sau cùng vẫn thuộc về trọng tài chính.
HLV đội Úc phản ứng trong lúc trọng tài chính A.Cunha dùng công nghệ VAR xem lại pha phạm lỗi trước khi quyết định cho Pháp hưởng quả phạt đền mở tỉ sốẢnh: REUTERS
Kane bị hậu vệ Tunisia vật ngã trong 3 giây nhưng trọng tài không dùng công nghệ VAR để xác định có nên cho đội Anh được hưởng phạt đền Ảnh: BBC1
Nhằm tránh việc trận đấu bị gián đoạn quá nhiều, VAR được quy định chỉ can thiệp trong 4 trường hợp: xác định bàn thắng, xác định phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và khi phát hiện lỗi xử lý của trọng tài chính (ví dụ tình huống phạt thẻ đỏ nhầm giữa Kieran Gibbs và Alex Oxlade-Chamberlain của Arsenal trong trận đấu với Chelsea năm 2014).
Rạng sáng 19-6, tuyển Anh đã thắng Tunisia 2-1 nhưng có thể họ đã có một chiến thắng nhẹ nhàng hơn nếu 2 tình huống "đánh vật" của hậu vệ Tunisia đối với Harry Kane được nhận định chính xác. Do vậy, không quá vô lý khi người hâm mộ xứ sở sương mù lại có khá nhiều bình luận cay nghiệt sau trận đấu với các quyết định này. Phần nào đó, "màn judo" trên còn dễ nhận ra hơn là pha tiểu xảo của Kyle Walker dẫn đến quả phạt 11 m cho Tunisia.
Hệ thống điều hành VAR có vẻ như đã đồng ý với trọng tài chính khi quyết định không can thiệp vào 2 tình huống trên. Điều này lại dấy lên một làn sóng chỉ trích giống như việc VAR đã không can thiệp trong bàn thắng gây tranh cãi của Thụy Sĩ trong trận hòa 1-1 với Brazil.
Trước đây, mỗi khi "còi bị méo" dù vô tình hay cố ý thì trọng tài chính luôn là người hứng chịu nhiều "gạch đá" nhất. Nhưng giờ đây, khi VAR được áp dụng, mỗi khi có một tình huống sai sót trên sân, dù rõ ràng hay chỉ là cảm tính, người ta lại quay ra hỏi tại sao không dùng VAR và trách VAR đã không hoàn thành nhiệm vụ. Cảm xúc từ những pha bóng gây tranh cãi không thật sự mất đi, có chăng là đối tượng bị "tổng xỉ vả" đã chuyển từ trọng tài chính sang trọng tài "VAR".
Khó công bằng tuyệt đối
VAR được sinh ra thực chất để trám vào những sai sót của trọng tài trong bối cảnh những diễn biến trên sân ngày càng nhanh hơn, khả năng "diễn xuất" của cầu thủ ngày càng được nâng cấp, nhất là trong các quyết định quan trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả. VAR không được sinh ra để mang lại sự công bằng tuyệt đối cho các trận đấu vì suy cho cùng, vận hành VAR cũng vẫn là con người mà con người thì khó tránh khỏi sai sót!
Vẫn còn nhiều điều VAR cần hoàn thiện như phạm vi sử dụng hay tính nhất quán trong cách sử dụng của các trọng tài trong từng trận đấu nhưng với những ai mong chờ "xúc cảm bóng đá" đến từ những quyết định sai lầm, hãy thử một lần đặt mình vào vị trí của những người phải chịu thiệt thòi từ quyết định đó mà thông cảm. Có lẽ họ cũng xứng đáng được đón nhận niềm vui từ những quyết định công bằng hơn.
Một sản phẩm tốt luôn cần trải qua rất nhiều thất bại và thử nghiệm, hãy cho VAR thêm thời gian...
Mời bạn đọc tham gia dự đoán trúng thưởng do Báo Người Lao Động tổ chức giữa hai đội Iran - Tây Ban Nha với phần thưởng 500.000 đồng tại đây.
Bình luận (0)