Cúp vàng thế giới lại một lần nữa thuộc về châu Âu sau khi hai đại diện cuối cùng của Nam Mỹ là Uruguay và Brazil lần lượt bị Pháp và Bỉ đánh bại ở vòng tứ kết. Thêm một vòng bán kết của riêng châu Âu như chuyện từng diễn ra năm 1982 và 2006. Với sức mạnh tài chính và tiềm năng dồi dào, châu Âu tiếp tục củng cố ngôi vị cố hữu ở sân chơi bóng đá đỉnh cao thêm 4 năm nữa, kéo dài nhiệm kỳ bá chủ không ai dám đụng tới của họ bắt đầu từ năm 2006.
Cây bút Graham Dunbar của hãng AP ví von dung mạo lấn lướt này của bóng đá cựu lục địa bằng hình tượng một vòng tròn khép kín đong đầy vinh quang của 5 đại biểu có nền bóng đá phát triển và gặt hái thành tựu rực rỡ nhiều năm qua: Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh. Ngoài Anh đoạt cúp vàng lâu rồi (năm 1966), còn lại Pháp (năm 1998), Ý (2006), Tây Ban Nha (2010) và Đức (2014) đều chưa xa hương vị vàng son của ngôi quán quân thế giới.
CĐV Pháp ăn mừng ở trung tâm Paris sau khi đội nhà loại Uruguay ở trận tứ kết đầu tiên Ảnh: REUTERS
Tất cả đều có chung đặc điểm như một ân huệ mà bất cứ nền bóng đá nào ở mọi châu lục cũng mơ tưởng: Đội tuyển quốc gia được xây dựng trên nền tảng của giải vô địch quốc gia có uy tín, tập trung tài năng đến từ bốn phương với sự tranh tài, cọ xát giàu chất lượng dưới sự góp sức của thị trường truyền thông lan tỏa rộng khắp. Năng lực tài chính sung mãn đến từ túi tiền các nhà đầu tư lớn và từ việc chia phần bản quyền truyền hình bảo đảm cho các nền bóng đá này yên tâm với hành trình cạnh tranh, phát triển không ngưng nghỉ.
Nếu đứng trên bục cao nhất nhận cúp vàng thế giới vào tối 15-7 tới là Pháp hoặc Anh thì chu kỳ khép kín kia xem ra trọn vẹn hơn bao giờ. Lúc ấy, vòng tròn vinh quang như được chia đều cho các người anh lớn châu Âu đóng đinh ở các điểm then chốt theo trình tự thời gian diễn ra vòng chung kết World Cup, từ 2006 đến nay. Các "ông anh" này coi bộ tham lam quá, cứ cùng nắm tay khép chặt vòng tròn, không để một kẻ nào khác ngoài châu lục đủ sức chen chân. Nếu tính từ vòng chung kết 1998 với sự lên ngôi lần đầu của Pháp đến Russia 2018 thì may ra chỉ có một "gã ranh con" cả gan ghé chân vào giữ lấy một chỗ trong vòng tròn khép kín kia: Brazil năm 2002.
Nhưng cũng đã quá lâu, 16 năm rồi còn gì! Từ bấy đến giờ, chẳng ai ở Nam Mỹ - nói chi đến châu Phi, châu Á - đủ sức lách mình vào cái tiệc hội kia để tìm cho mình một chỗ đứng. Anh cả châu Âu quả chỉ biết khư khư giữ bóng trong chân!
Nhưng làm sao trách được họ! Các nền bóng đá thuộc các châu lục khác nếu có trách thì trước hết là trách chính mình không đủ tài năng, bản lĩnh và dũng khí để vượt cái bóng sừng sững kia…
Bình luận (0)