Năm 2014, đội tuyển Đức "phá dớp" khi trở thành đội bóng châu Âu đầu tiên trong lịch sử giành World Cup trên đất Nam Mỹ. Bốn năm sau, đến lượt Brazil, Argentina hay Uruguay thèm khát đăng quang trên đất châu Âu. Thế nhưng, để phá vỡ được 5 quy luật bất biến của World Cup thì không dễ.
Năm quy luật
Trong lịch sử World Cup, các đội tuyển lên ngôi vô địch đều có điểm chung là dùng HLV nội. Tám đội tuyển từng vô địch World Cup là Brazil, Argentina, Đức, Ý, Anh, Pháp, Uruguay và Tây Ban Nha đều sử dụng HLV "cây nhà lá vườn". Trong đó, Mario Zagallo (Brazil) và Franz Beckenbauer (Đức) vinh dự vô địch thế giới với tư cách cầu thủ rồi sau này là HLV. Quy luật trường tồn suốt 20 kỳ World Cup này nhiều khả năng sẽ duy trì khi có tới 7 ứng viên vô địch là Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Argentina và Brazil tiếp tục tin dùng HLV nội khi đến nước Nga.
Quy luật thứ hai thú vị không kém, đó là chưa quốc gia nào có HLV thua trận chung kết Champions League mà trong năm đó, đội tuyển lại lên ngôi ở World Cup. Quy luật thứ ba cũng đang là một thách thức lớn cho nhiều ông lớn ở Nam Mỹ như Brazil, Argentina hay Uruguay, bởi chưa bao giờ World Cup tổ chức ở châu Âu mà đội ở các lục địa khác giành ngôi vô địch.
Quy luật thứ tư liên quan đến đội tuyển Anh - quốc gia được xem là cái nôi của môn bóng đá: Lần duy nhất "Tam sư" vô địch World Cup là trên sân nhà. Đây cũng là một quy luật mà các CĐV thường mang ra "chọc" mỗi khi người Anh bị loại. Quy luật thứ 5 là việc chưa có đội bóng nào lần đầu tiên vô địch Euro xong lại đăng quang tại World Cup.
Bộ đôi Antoine Griezmann (trái) và Kylian Mbappe đầy tự tin sẽ giúp Pháp lên ngôi vô địch World Cup thứ 2 kể từ năm 1998. Ảnh: Reuters
Sàn diễn của Pháp, Tây Ban Nha?
Tờ Guardian của Anh đã áp dụng 5 quy luật của World Cup để làm một phép loại trừ khá thú vị. Theo đó, nếu căn cứ việc đội tuyển dùng HLV nội mới vô địch World Cup thì những ứng viên nhiều khả năng đăng quang sẽ là: Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Argentina và Brazil.
Tiếp theo, quốc gia nào có HLV thua trận chung kết Champions League năm đó thì đồng thời đội tuyển sẽ thua trong trận chung kết World Cup. Bằng chứng là năm 2002, HLV Klaus Topmoller của Đức dẫn dắt Bayer Leverkusen và thua Real Madrid 1-2 ở chung kết Champions League thì năm đó, Đức thua Brazil 0-2 ở chung kết World Cup 2002. Năm 2006, HLV người Pháp Arsene Wenger cùng Arsenal thua Barcelona 1-2, còn tuyển Pháp thua Ý ở loạt đá 11 m. Bốn năm sau, HLV của Bayern Munich Louis Van Gaal thua Inter Milan 0-2, còn Hà Lan thua Tây Ban Nha cũng ở loạt 11 m. Gần đây nhất, HLV Simeone cùng Atletico Madrid thua Real Madrid 1-4 thì hơn 1 tháng sau, Argentina thua Đức 0-1 trong trận chung kết World Cup 2014.
Từ các dữ kiện trên thì World Cup 2018 sẽ loại trừ tuyển Đức. Bởi lẽ, HLV thua ở chung kết Champions League 2018 là HLV người Đức Juergen Klopp (dẫn dắt Liverpool).
Xét đến quy luật thứ ba, do chưa có đội bóng Nam Mỹ nào vô địch khi World Cup diễn ra ở châu Âu nên Brazil và Argentina sẽ bị loại. Cộng thêm tuyển Anh chỉ biết vô địch khi đá sân nhà nên sau khi loại trừ quy luật số 4, sẽ chỉ còn Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cộng thêm quy luật không đội bóng nào lần đầu vô địch Euro mà ngay lập tức vô địch World Cup, đến lượt Bồ Đào Nha sẽ bị gạch tên (Tây Ban Nha không được xét đến vì lần đầu vô địch Euro là năm 1964).
Tờ Guardian kết luận khá hài hước rằng nếu căn cứ vào quy luật bất biến trong lịch sử World Cup, có thể nói năm 2018 sẽ là sàn diễn của 2 đội bóng Pháp và Tây Ban Nha. "Ai trong 2 đội bóng này vô địch World Cup đều giúp cho lịch sử giải đấu giữ nguyên giá trị và các quy luật. Tuy nhiên, 4 năm trước, Đức đã "phá dớp" thì bây giờ điều gì cũng có thể xảy ra" - Guardian nhận xét.
Bình luận (0)