Vụ hỏa hoạn tại tòa nhà chung cư văn phòng 18 tầng JSC34 (quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm 2 người thiệt mạng và 4 người bị thương nặng vào chiều 10-3 đã làm nhiều người đang sinh sống tại các chung cư ở TPHCM phập phồng lo lắng.
Cháy là... hết chạy
Điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được khi đặt chân đến một số chung cư ở TPHCM vào ngày 11-3 là hầu hết chưa thật sự an toàn tuyệt đối khi có cháy nổ xảy ra.
Đối với các chung cư cũ, nguy cơ xảy ra cháy ở khu vực cầu thang là đặc biệt nguy hiểm, vì theo thiết kế từ những năm 1980-1990, những công trình này thường chỉ có một cầu thang chính lên xuống, không có cầu thang thoát hiểm kiểu chung cư hiện đại.
Chưa kể cả công trình còn nằm trên hàng trăm “quả bom xăng” (xe máy) mà nếu chỉ cần sự cố nhỏ, chắc chắn cũng có thể gây nên những thảm họa khó lường. Đơn cử như chung cư phường 3, quận 4, hiện nhiều người dân sống ở đây than phiền về lượng xe máy quá nhiều, để tràn lan ra cả chân cầu thang, chỉ còn một đường nhỏ để đi.
Bà Trần Thị Kim Thành, tổ trưởng tổ 44, chung cư phường 3, quận 4, cho biết chung cư có tổng cộng hơn 400 căn hộ, vị chi ít nhất có hơn 400 xe máy.
“Tuy đã nhiều lần nhắc nhở cư dân không phóng xe vào tận bên trong nơi giữ xe nhưng vẫn ít người tuân thủ. Ai cũng tranh thủ chạy ào vào cho tiện. Còn chuyện nấu nướng trong chỗ giữ xe tuy không được phép nhưng từ xưa đến nay vẫn “du di” nên tình trạng này tồn tại hoài”- bà Thành nói.
Để chống trộm, người dân chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh đã làm lưới kiên cố bên ngoài, làm hạn chế đường thoát hiểm. Ảnh: T.THẠNH
Tương tự, nhiều người dân ở chung cư Thanh Niên (quận Tân Bình) gần 10 năm qua luôn sống trong sự phập phồng về sự cố cháy nổ khi gầm cầu thang vừa là nơi giữ xe lại “kiêm nhiệm” thêm các chức năng... nhà ở, điểm kinh doanh nước giải khát và thậm chí là bếp ăn, nấu nướng phục vụ ba bữa ăn hằng ngày.
Dù người dân ở đây đã phản ánh nhiều nhưng mọi việc vẫn như cũ... Ngoài ra, những chung cư cũ luôn phải đối mặt với hệ thống đường điện sinh hoạt được người dân câu mắc tạm bợ, chằng chịt, nhiều điểm đấu nối không bảo đảm an toàn khiến nguy cơ xảy ra cháy do chập điện cũng rất cao. Trong khi hệ thống chữa cháy tại chỗ thường rất sơ sài và chỉ để... trấn an tâm lý là chính.
Tự bít... lối thoát hiểm
Hiện nay, các chung cư cao tầng hiện còn phải đối phó với những nguy cơ mới, nhất là đối với nhà cao tầng do chủ đầu tư trong nước xây dựng nên chưa được đầu tư đầy đủ về PCCC theo thiết kế, tiêu chuẩn.
Theo Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an), qua kiểm tra an toàn PCCC ở một số nhà cao tầng cho thấy còn nhiều thiếu sót, sai phạm như: không thiết kế, lắp đặt hệ thống báo cháy tự động như quy định; không có bể dự trữ nước cho chữa cháy, hoặc có nhưng chung với bể nước sinh hoạt và không đủ dung tích dự trữ như quy định; không trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy, cứu hộ cần thiết; chỉ có một buồng thang thoát nạn nhưng buồng thang hở, không bảo đảm yêu cầu chống cháy, chống khói...
Lối lên chung cư phường 3, quận 4 đã hẹp còn bị lấn chiếm bởi nơi giữ xe, khi có cháy nổ xảy ra rất nguy hiểm. Ảnh: A.NGUYỆT
Ngoài những nguyên nhân trên, qua ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy vì lý do an ninh, nhiều gia đình tự ý làm thêm lưới sắt để bao bọc ban công căn hộ, điều này hạn chế khả năng tự thoát hiểm khi có sự cố cháy.
Đơn cử như ở chung cư Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, khá nhiều căn hộ hiện được bao bọc bít bùng sau những khung sắt được hàn kín mít và khá kiên cố...
Một điểm đáng lo ngại là phần lớn người dân sống ở các chung cư cao tầng hiện chưa được trang bị những kỹ năng tối thiểu về PCCC và ứng phó khi sự cố cháy, nổ xảy ra.
Chưa xem trọng việc chống cháy, nổ Theo thống kê sơ bộ của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 800 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có hơn 200 nhà cao trên 10 tầng... |
Bình luận (0)