Bãi rác Đa Phước: giám đốc khen, đại biểu chê tới tấp
Báo cáo trước khi chất vấn, Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2009, Sở đã làm được khối lượng công việc rất khổng lồ, từ thanh tra, góp ý các dự án luật, tuyên truyền, tập huấn…”.
Phần lớn thời gian chất vấn Sở này quay quanh chuyện bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh). Một người dân ở gần bãi rác gọi điện thoại đến phòng họp: “Ruồi ở Đa Phước nhiều quá! Mùi hôi bay quá xa khiến người dân bị viêm xoang, ung thư”.
Ruồi như "xôi đậu" gần bãi rác Đa Phước (Ảnh: T.Hồng)
Ngay lập tức, đại biểu Dương Văn Nhân đặt vấn đề: “Tại sao hễ có đoàn lãnh đạo đi kiểm tra thì bãi rác này lúc nào cũng tốt, lãnh đạo về thì nước thải, mùi hôi tái phát?”.
Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt cho biết: “Trên đường đến Đa Phước, chúng tôi mở cửa kính xe thì không thấy mùi hôi, hiện nay ruồi cũng đã giảm bớt. Tuy nhiên, đó là thời điểm khi sở đi kiểm tra, chúng tôi sẽ lưu ý thêm trong thời gian tới”.
Khu vực chôn lấp rác của bãi rác Đa Phước (Ảnh: Tr.Thanh)
ĐB Lê Thượng Mãn đi vào chi tiết: “Hiện nay, số tiền xử lý rác TP trả cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là 16,4USD/tấn/ngày, tính ra là gần 50.000USD/3.000 tấn/ngày. Như vậy, TP tiêu tốn 1,5 triệu USD/tháng. Con số 16,4USD được tính toán dựa trên công suất thiết kế nhưng bãi rác chỉ mới hoạt động được 50% công suất. Chưa hết, các bãi rác ở Phước Hiệp (Củ Chi) cũng sử dụng công nghệ tương tự nhưng chỉ được trả 6-9USD/tấn rác. Ai đã đưa ra đơn giá xử lý rác này và tổn thất của TP sẽ xử lý như thế nào?”.
Cũng theo đại biểu Lê Thượng Mãn, cấu trúc bãi rác Đa Phước cũng rất bình thường, chưa xác lập được quy trình xử lý rác, rác hữu cơ và vô cơ vẫn thu gom trộn chung, lại thêm dịch ruồi, mùi hôi thường xuyên rình rập đời sống người dân. “Như vậy, bãi rác này đâu có hiện đại. Tại sao Sở TN-MT lại khẳng định Đa Phước đang sử dụng công nghệ tầm cỡ?”, đại biểu Mãn hỏi.
Đại biểu HĐND TP Lê Thượng Mãn (Ảnh: T.Thạnh)
Chưa dừng ở đó, đại biểu Mãn tiếp tục: “Còn có hiện tượng Ban Quản lý Các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM (thuộc Sở TN-MT) chỉ có thể quản lý bãi rác Đa Phước theo kiểu đứng ngoài cổng đếm xe rác đi vô, chứ không được vào trong xem quy trình xử lý. Tại sao Đa Phước lại có cơ chế riêng như vậy?”.
Trả lời chất vấn của ĐB Mãn, Giám đốc Sở TN-MT vẫn khẳng định: “So với thế giới, công nghệ chôn lấp rác ở Đa Phước thuộc hàng tương đối, còn ở TPHCM là tốt nhất”.
Còn về chuyện quản lý theo kiểu “đếm xe rác ngoài cổng”, ông Kiệt nhận hết lỗi về phía thuộc cấp của mình: “Đa Phước không cho đoàn kiểm tra của Ban Quản lý Các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM vào vì có một thành viên say rượu và một người khác không mặc đồng phục”.
Giám đốc Sở vừa dứt lời, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đã không đồng ý: “Giám đốc sở nói công nghệ của Đa Phước tốt nhất tại TPHCM là không chính xác vì công nghệ này đã từng được sử dụng vào năm 1991”.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt (Ảnh: T.Thạnh)
Ông Đào Anh Kiệt sau đó phải chữa lại: “Tôi nói công nghệ ở Đa Phước tốt nhất là mang tính thời điểm lịch sử. Đến lúc này và trong bối cảnh này, nó vẫn tốt nhất ở Việt Nam. Nhưng nếu có công nghệ tiên tiến hơn, chúng tôi sẽ học tập” (!).
Kết luận phần chất vấn sở TN-MT, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo yêu cầu Sở TN-MT phải có báo cáo cụ thể về bãi rác Đa Phước gửi cho Thường trực HĐND TP và UBND TP xem xét.
Thực phẩm nhiễm độc trôi vào dạ dày người dân?
Chất vấn là Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Minh Hương hỏi: “Theo báo cáo giám sát của ban Văn hóa – xã hội HĐND TPHCM, 2,72% - 3,72% lượng rau củ quả có dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép, tính ra là 43,2 tấn. Tương tự có 10% thủy sản nhiễm kháng sinh, 67% thực phẩm ăn ngay không đạt tiêu chuẩn vi sinh, 34% cơ sở thực phẩm không đạt chuẩn. Hình thức phạt chủ yếu là phạt tiền, nhưng phạt xong thì số thực phẩm này đi về đâu, hủy bỏ hay tiếp tục trôi vào dạ dày người dân?”.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Châu (Ảnh: T.Thạnh)
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu cho biết: “Khảo sát dư lượng thuốc trừ sâu do Sở Nông nghiệp – Phát triển Nông thông phụ trách. Còn kiểm soát VSATTP hiện nay gặp khó ở hai khâu là: khâu đánh bắt, bảo quản tại chỗ và khâu bảo quản tại chợ đầu mối (do chưa có kho trữ lạnh). Những vấn đề này chúng tôi đã đặt lên bàn phân tích cả rồi nhưng chưa làm được vì còn phải tính toán nhiều”.
Ông Châu cũng thừa nhận tuy có tăng số lượng cán bộ kiểm tra nhưng vẫn như muối bỏ bể vì lĩnh vực VSATTP này quá rộng lớn. “Trong năm qua, TPHCM có thêm 30 thanh tra viên, nâng tổng số thanh tra năm 2009 lên 40 người. Trong khi đó, chỉ riêng Bangkok (Thái Lan) đã có 5.000 thanh tra viên, Nhật Bản là 33.000, Trung Quốc 50.000… Do đó, hướng sắp tới của TPHCM là thành lập mạng khu vực phụ trách 4-5 quận và thành lập chi cục VSATTP. Theo lộ trình, năm 2009 – 2010, chi cục có 80 người, cuối năm 2010 là hơn 200 người và cuối năm 2012 phải đạt 800 người”.
Bê tông hoá vỉa hè: “Buộc” Sở GTVT nhận trách nhiệm
Ngoài những chuyện “biết rồi, khổ lắm nói mãi” như đào đường, “lô cốt”…, trong buổi chất vấn chiều 8-7, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng bị truy khá nhiều về tình trạng bê tông hóa vỉa hè thời gian qua.
Ông Phượng cho rằng đó là trách nhiệm của quận huyện vì TP đã phân cấp quản lý vỉa hè cho quận-huyện, nên việc đầu tư xây dựng và chọn mẫu gạch đều do… quận-huyện quyết định.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng (Ảnh: T.Thạnh)
Đại biểu Lê Văn Trung liền nói: “Trách nhiệm của Sở là phải hướng dẫn quy trình thi công chứ không thể đổ hết cho quận-huyện. Với 1 km đường có bề rộng 10 mét, vỉa hè rộng 3 mét thì khả năng thu nhận nước mưa là 60 m3. Nếu vỉa hè bị bê tông hoá thì lượng nước mưa không thoát được sẽ tăng thêm 60%”.
Đến lúc này ông Phượng thừa nhận: “Đúng là thi công vỉa hè ồ ạt như vừa qua là đáng tiếc!”. Đại biểu Võ Văn Sen truy tiếp: “Vậy những nơi đã đào lên chuẩn bị bê tông sẽ giải quyết ra sao?”.
Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh tình trạng đào bới vỉa hè tràn lan (Ảnh: NLĐO)
Ông Phượng trần tình: “Do quận, huyện làm lại vỉa hè trên nền bê tông nguyên thuỷ nên bị “cứng”. TP đã chỉ đạo quận-huyện xem xét dùng loại gạch cho phù hợp. Riêng với những vị trí quan trọng, dù đã thiết kế, đấu thầu nhưng vẫn phải ngưng lại hết”.
Không đồng ý với giải trình này, đại biểu Nguyễn Thế Thanh nói thẳng: “Tôi nghĩ, trách nhiệm là của Sở GTVT. Là sở chuyên môn thì phải hướng dẫn cụ thể loại gạch nào tốt, hiệu quả chứ tại sao lại giao hết cho địa phương”. Bị truy đến nơi, cuối cùng ông Phượng đành nói: “Sở GTVT xin nhận trách nhiệm!”.
|
Bình luận (0)