xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bán ẩu phần vốn Nhà nước?

Nhóm PV thời sự nội chính

Việc cha con ông Hoàng Kiều sở hữu 62,53% cổ phần tại Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang có dấu hiệu vi phạm quy định

>>> Xem tất cả

Từ tài liệu của Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) cũng như tài liệu của các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang cung cấp cho thấy xung quanh phiên đấu giá 30% phần vốn Nhà nước còn lại trong Tigi Tour mà con ông Hoàng Kiều là ông Hoàng Sammy Hùng trúng đấu giá đã vi phạm quy định về số lượng cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tại công ty cổ phần đại chúng.

Chính những sai phạm này đã tạo điều kiện cho gia đình ông Hoàng Kiều chiếm tỉ lệ trên 96% vốn tại Tigi Tour.


Phải hủy kết quả đấu giá vốn Nhà nước !


Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Hoàng Kiều và Hoàng Sammy Hùng khi nhập cảnh Việt Nam, đăng ký các hoạt động liên quan đến Tigi Tour đều dùng giấy tờ chính là hộ chiếu thương mại do nước ngoài cấp và cùng mang quốc tịch Mỹ. Vì thế, hai người này phải được xem là nhà đầu tư nước ngoài.

Theo các quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% tổng số cổ phiếu của công ty cổ phần đại chúng. Trong khi hiện nay ông Hoàng Kiều và ông Hoàng Sammy Hùng đã nắm giữ số cổ phần với tỉ lệ lần lượt là 32,53% và 30% vốn tại Tigi Tour (người thân ông Hoàng Kiều nắm giữ 34%).

Thạc sĩ  Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng có thể việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 62,53% cổ phần tại Tigi Tour là vi phạm quy định hiện hành.


img
Khu du lịch Thới Sơn (Tiền Giang) hiện thuộc sự quản lý của gia đình ông Hoàng Kiều. Ảnh: MINH SƠN


Điều khó hiểu là vào ngày 10-3-2009, phiên đấu giá 30% (tương đương 210.000 cổ phần, lúc này do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ) phần vốn còn lại của Nhà nước trong Tigi Tour được tổ chức, trong bản công bố thông tin về việc bán đấu giá phần vốn do Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình (gọi tắt ABS - đơn vị tư vấn) cung cấp cho các nhà đầu tư, xác định nhà đầu tư nước ngoài là ông Hoàng Kiều đã nắm giữ tỉ lệ 30% cổ phần.

Trong danh sách 8 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá có tên ông Hoàng Sammy Hùng và được ghi rõ là quốc tịch Mỹ, thế nhưng những người tổ chức phiên đấu giá đã lờ đi chi tiết này và kết quả là ông Hoàng Sammy Hùng đã vượt qua 7 nhà đầu tư khác để trúng đấu giá hết số cổ phần này với mức 36.000 đồng/cổ phần!?


Theo luật sư Lê Thành Kính, Đoàn Luật sư TPHCM, việc gia đình ông Hoàng Kiều nắm giữ quá 49% cổ phần tại Tigi Tour là vi phạm các quy định hiện hành nên phải hủy bỏ kết quả phiên đấu giá để đấu giá lại.


Nhiều khuất tất trong việc cho thuê đất


Như chúng tôi đã đề cập trong các số báo trước, với một hệ thống nhà hàng, khách sạn nằm trên các khu đất “vàng” có tổng diện tích hơn 59.000 m2 nhưng mỗi năm, Tigi Tour chỉ nộp tiền thuê cho tỉnh 267 triệu đồng, quá rẻ! Chẳng hạn, nhà hàng Thới Sơn có diện tích hơn 11.000 m2 nhưng mỗi năm Tigi Tour chỉ thuê với giá 5,4 triệu đồng.

Còn khu vực nhà hàng Hương Biển có diện tích gần 40.000 m2 nhưng mỗi năm chỉ phải trả tiền thuê 7,6 triệu đồng... Ngoài ra, theo bản kê khai nộp tiền thuê đất của Tigi Tour, công ty này chỉ nộp tiền thuê với diện tích 59.000 m2.

Trong khi trả lời với Báo NLĐ, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, cho biết: “UBND tỉnh cho Tigi Tour thuê 78.707 m2”. Vậy 20.000 m2 đất còn lại Tigi Tour có nộp tiền thuê đất hằng năm cho tỉnh hay không?

Ngoài ra, ngày 5-1-2001, Tigi Tour đã ký hợp đồng thuê mặt nước ở khu du lịch biển Tân Thành với diện tích 165.531 m2 với số tiền nộp hằng năm là 52 triệu đồng.

Tuy nhiên, từ tháng 6-2006 đến nay, khoản tiền thuê đất này Nhà nước không thu được vì Tigi Tour lấy lý do làm ăn không hiệu quả nên được tỉnh Tiền Giang chấp thuận.


Trao đổi với chúng tôi ngày 13-5, ông Trần Thanh Tiến, Tổng Giám đốc Tigi Tour, xác nhận tất cả các hợp đồng mà Tigi Tour thuê đất của tỉnh Tiền Giang đều đã mất hiệu lực và từ năm 2007 đến khi số tài sản này được bán lại cho gia đình ông Hoàng Kiều, vẫn chưa được ký lại hợp đồng thuê đất.

Trong khi các hợp đồng thuê đất nêu rõ: “Trường hợp bên B (bên thuê) bị phân chia, sáp nhập hoặc chuyển nhượng tài sản, hợp đồng cho tổ chức, cá nhân khác tạo nên pháp nhân mới thì phải làm lại thủ tục thuê đất”.

Rõ ràng, tỉnh Tiền Giang đã quá dễ dãi trong quản lý tài sản công và quá ưu ái cho Tigi Tour, một doanh nghiệp đã hoàn toàn thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều.


KCN Tân Hương không thuộc diện ưu đãi đầu tư

Trả lời Báo NLĐ về việc KCN Tân Hương có được Chính phủ đưa vào diện ưu đãi đầu tư hay không, ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết: “KCN Tân Hương không nằm trên địa bàn ưu đãi đầu tư nên không được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi và thời gian miễn giảm thuế”.


Như vậy, việc UBND tỉnh Tiền Giang lấy lý do “ưu đãi đầu tư” đã “biếu” không cho Công ty Nhựt Thành Tân 77,5 tỉ đồng và cho vay 77,5 tỉ đồng không tính lãi trong 5 năm để đầu tư vào KCN nhưng không thông qua HĐND tỉnh là chưa đúng với quy trình sử dụng vốn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo