TPHCM hiện có 41 bến khách ngang sông đang hoạt động với 140 phương tiện. Năm 2008, Khu Đường sông TPHCM đã tổ chức nhiều hội thi và nhiều bến đò được tuyên dương là “an toàn, tiện nghi”. Thế nhưng hơn mười bến đò nội và ngoại thành mà chúng tôi khảo sát, không thấy bến nào có hình ảnh người đi đò mặc áo phao như những slides đẹp đẽ chiếu trong những buổi lễ tổng kết của các hội thi, ngược lại chỉ toàn cảnh vi phạm như chở quá tải, chạy sai quy định...
|
Lạng lách, quá tải!
Là một trong những bến được tuyên dương trong hội thi đò an toàn nhưng có đi đò tại bến An Lợi Đông (quận 2) mới thấy các tay lái ở đây không khác nào những “yêng hùng” trên sông nước. Bến quy tụ gần chục chiếc đò, kiểu đò gia dụng chỉ có thể chở từ 4-5 người, tuy nhiên, nếu số khách chờ trên bờ đông, chủ đò vẫn chấp nhận chở quá số này, kèm xe đạp, xe gắn máy. Nguy hiểm hơn, đây là bến băng qua tuyến hàng hải, có rất nhiều tàu, thuyền tải trọng lớn ra vào. Theo quy định: phương tiện tránh nhau khi đi hướng cắt nhau thì “phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ”, nhưng những người điều khiển đò bến An Lợi Đông vẫn vô tư lái những đường cong ngoạn mục băng qua trước mũi tàu ở khoảng cách khá gần.
Bến đò An Phú Đông- Sa Tân Miếu nối quận 12 và Gò Vấp là một trong những bến đò được khen thưởng trong cả bốn hội thi “Bến đò an toàn- tiện nghi” với 3 phương tiện có sức chở từ 30 - 45 người. Thế nhưng đến giờ cao điểm, không phương tiện nào chở dưới 40 người và 20 xe gắn máy. Nếu quy đổi theo quy định “một xe bằng hai người” thì các phương tiện của bến này đã chở quá tải gấp 2-3 lần cho phép. Trong hội thi, bến này là một trong bốn bến được tuyên dương có thành tích “kiên quyết vận động mọi người mặc áo phao” nhưng theo quan sát của chúng tôi, áo phao phát ra cũng chỉ để cầm trên tay, từ nhân viên trên đò lẫn hành khách không ai thèm... mặc!
Tương tự, bến đò Hội Sơn (phường Long Bình, quận 9) từng đạt giải nhất trong đợt thi thứ ba của hội thi “Bến đò an toàn- tiện nghi”, đưa khách đến chùa Hội Sơn và Phước Long trên cù lao Bà Sang. Những ngày cuối tháng, khách thập phương đổ về khá đông và... đò nào cũng chở quá tải. Đơn cử, đò mang số hiệu SG 4547 có sức chở 48 người nhưng chúng tôi đếm được số khách xuống đò trên 60! Suốt lộ trình dài hơn 800 m băng qua sông Đồng Nai - tuyến sông lớn có nhiều tàu bè qua lại -không thấy chủ đò nào nhắc hành khách mặc áo phao để bảo đảm an toàn.
Phải buộc mặc áo phao
Áo phao là vật giữ lại mạng sống cho khách trong lúc chờ cứu hộ nếu gặp sự cố giữa sông. Năm 2007, Khu Đường sông đã xin kinh phí từ Ban An toàn Giao thông TP cấp 500 áo phao cho các bến đò. Tuy nhiên, nhiều chủ đò cho biết số áo phao đó đã cũ rách nên hành khách không muốn mặc, luật cũng không bắt buộc mặc áo phao nên khách muốn mặc hay không thì tùy. Bên cạnh đó, một số chủ đò trong nội thành cho rằng chỉ những bến ở ngoại thành, lộ trình dài chạy trên sông thì mới cần áo phao, còn những bến nội thành chủ yếu chạy trên kênh rạch, lộ trình ngắn, rủi ro ít, “không cần mặc cũng được!”.
Theo Khu Đường sông TPHCM, việc khách qua đò mặc áo phao cũng chỉ mới dừng lại ở mức vận động vì sự an toàn của chính bản thân họ, luật giao thông thủy chưa quy định nên họ không mặc cũng chẳng còn cách nào. Một số cán bộ của Khu Đường sông cho rằng: để bảo đảm tính mạng cho người qua đò, cần có quy định bắt buộc mặc áo phao ở một số bến đặc thù, có nhiều nguy cơ như bến hoạt động băng qua tuyến hàng hải (An Lợi Đông, Phước Khánh) hay băng qua ngã ba sông (Tân Tập - Vàm Sát...).
Quá tải tại bến đò Sa Tân Miếu - An Phú Đông
Bình luận (0)