Sinh năm 1914, tính luôn tuổi nằm trong bụng mẹ thì cụ Lê Thị Ba đã 106 tuổi. Nói ra nhiều người giật mình bởi tuổi cao nhưng cụ Ba vẫn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn, có thể tự tay giặt đồ, quét sân, thăm ruộng, bó chổi tàu cau, ăn cơm no bụng ngày 3 bữa…
Người dân ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn hình như đã quen với hình ảnh này nên không mấy ai "ồ, á’ khi thấy cụ Ba xăn quần thăm ruộng nhưng có bận, tôi chở anh bạn đồng nghiệp đi ngang cánh đồng nhà cụ Ba, thấy bà cụ tóc bạc trắng đang ngắt mấy bông lúa bỏ vào miệng nhai thử, anh bạn liền kêu tôi ngừng xe, xin phép cụ rồi xách máy ảnh bấm lách tách vài chục bô. Cô con gái của cụ thấy vậy chỉ cười khì "người ta thấy cụ đẹp lão, lại khỏe khoắn nên mới chụp, cụ thích cho ai chụp thì kệ, mình không xen vào".
Cô Gái - con gái út của cụ Ba cho biết: Má tôi ăn uống rất đơn giản, thích tự tay giặt đồ, quét nhà, không ỷ lại con cháu.
"Nói ra chắc không ai tin, vài năm trước khi má tôi đã 100 tuổi mà sáng nào bà cũng lom khom cây chổi tàu cau quét sân, rảnh tay là nhổ cỏ, bữa nào khỏe khoắn trong người, má xăn 2 ống quần lên tận đầu gối ra thăm ruộng. Mùa mưa, bà còn xung phong lội ao xúc cá với đám cháu chắt, sợ má té nên con cái nhăn dữ lắm nên vụ xuống ao xúc cá không còn nữa" cô Đào Thị Gái (60 tuổi), con gái út của cụ Ba cho biết.
Tuổi cao nhưng cụ Ba vẫn thích tự tay quét sân
Cụ Ba có 9 người con, 5 trai 4 gái, con trai lớn đã ngoài 80, gái út cũng 60 tuổi, cụ sống với 2 người con gái không lập gia đình và vợ chồng người con trai thứ 9, con cháu đùm đề gần 30 đứa, cụ cũng không nhớ hết tên. Nhà cụ là dân rẫy nòi, 3 đời làm rẫy từ đời ba má cụ đến đời con cụ. Nhấp ngụm nước, bẻ miếng bánh, cụ Ba kể lại: "Ông già tui hồi trước làm thầy thuốc, hễ đang làm mà ai kêu qua bắt mạch kê đơn là ổng bỏ đi, vì là con gái lớn trong nhà, tui phải cày bừa thay ba, mà toàn cày bằng trâu khó mấy lần bò nên dùng sức dữ lắm. Nói chung, tôi làm quần quật, cày bừa gặt hái gì cũng làm hết, làm từ năm 16 tuổi đến khi lấy chồng, đẻ con, con lớn thì chúng nó làm phụ, giờ cả trăm tuổi nhưng làm gì được thì làm, không ỷ lại con cháu, hôm nào khỏe thì quét sân, giặt đồ, nhổ cỏ, không khỏe thì thôi ngồi chơi".
Nghe cụ kể, tôi cũng giật mình vì hiếm ai tuổi như cụ mà vẫn tự tay giặt đồ, quét dọn. "Cái lá sa kê rụng, má cũng lụm đút bò ăn, vũng nước đọng trên sân má cũng quét, thấy mấy lùm cỏ quanh bụi cau cũng nhổ, cái tàu cau vừa rụng xuống, tụi tôi phải đem giấu không thì má mang vào nhà ngồi tước ngày tước đêm làm chổi. Tụi tôi không cho má làm thì má buồn nên để má vui tụi tôi không cản nhưng giám sát từ xa", cô Gái cười cho biết.
Mỗi ngày, cụ Ba đều ra thăm vườn trầu 2 bận
Nhờ dầm sương, dãi nắng, lao động mỗi ngày nên sức khỏe cụ Ba rất dẻo dai, hiếm khi bệnh vặt, đến 106 tuổi, đám tiệc hai họ nội – ngoại, cụ đều đích thân đi dự. Nắm bàn tay rắn rỏi của cụ, tôi hỏi bí quyết sống thọ, cụ Ba chỉ cười: “Dễ như ăn bánh: Gia đình vui vẻ, con cháu hòa thuận, ăn uống đơn giản, lao động nhẹ nhàng”.
Nhờ gia đình thuần nông nên bữa ăn nhà cụ Ba rất đơn giản, ngày nào cơm cũng 3 bữa sáng – trưa – chiều, rất hiếm khi mọi người ăn ngoài.
"Má ăn đơn giản lắm, thích cá kho nghệ, kho tiêu. Cơm nấu từ lúa nhà trồng, dù khô hơn gạo chợ nhưng má vẫn thích ăn mỗi bữa 1,5 chén. Hôm nào mưa gió, tôi đổi món nấu cháo cho má, còn lại quanh năm suốt tháng ăn cơm. Món ăn chủ yếu cá đồng, cá sông, rất ít thịt heo, bò, còn rau luộc, canh, dưa bữa nào cũng có với những loại rau đơn giản như rau muống, dền, cải, mồng tơi, rau lang…Đặc biệt, người già dễ táo bón nên ngày nào má cũng ăn 1 – 2 trái chuối sứ tráng miệng", cô Gái cho biết.
Cụ Ba xăn quần cùng con cái phơi lúa
Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện được bởi thói quen ăn uống, lao động chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nếp sống và công việc gia đình.
Một nếp sống thuần nông, ưa lao động có thể là bí quyết sống vui sống khỏe của đại gia đình nhà cụ Ba. Mấy lần đi ngang cánh đồng lúa trĩu hạt nhà cụ Ba, thấp thoáng bóng dáng 2 cô con gái của cụ đang gặt lúa cùng nhóm thợ, chúng tôi thầm cảm phục sự dẻo dai và yêu lao động của họ. Ở cái tuổi 60 – 70, người ta đã về hưu, nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu thì họ vẫn thức khuya, dậy sớm để ra đồng bắt mạ, cắt cỏ tưới cây, tắm heo, lội ruộng…thì quả là khác biệt. Sự khác biệt này có thể tạo ra khác biệt về tuổi tác, càng ngẫm lại càng thấm.
Bình luận (0)