Lớp bùn đáy dưới kênh tích tụ khối lượng lớn không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống của thủy sinh dưới lòng kênh, mà còn ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống thu gom nước 2 bên đường Hoàng Sa và Trường Sa.
Cầu số 2 kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ngập trong bùn
Hơn 1 tháng nay, nhiều người lưu thông trên tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa đoạn qua kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè lấy làm lạ vì lòng kênh cạn khô, trơ lớp bùn cặn trải dài hàng chục mét. Do lớp bùn dày nên không phương tiện thủy nào có thể lưu thông khi thủy triều xuống.
Sáng nào cũng tập thể dục dọc con kênh này, bà Hồ Thị Tâm (nhà ở quận 3) cho biết: “Thủy triều ngày nào cũng lên xuống định kỳ nhưng hơn 1 tháng nay, bùn đáy dưới kênh lộ ra rõ, chứng tỏ bùn cặn bồi lắng lâu ngày tích tụ khối lượng rất lớn. Đã đến lúc cần phải nạo vét để bảo vệ môi trường cho cá sinh sống và đảm bảo mỹ quan cho tuyến kênh”.
Lớp bùn lắng kéo dài hàng chục mét tại cầu số 3
Hiện nay, kế hoạch nạo vét tuyến kênh này (đoạn từ cầu số 1 đến cầu Lê Văn Sỹ) đã được Sở Giao thông Vận tải TP đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2020. Ngoài nạo vét tuyến kênh này, nhiều tuyến kênh khác như Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ...cũng được UBND TP HCM yêu cầu đưa vào kế hoạch.
Kênh Nhiêu Lộc-0 Thị Nghè dài khoảng 8,7km đi qua các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, 1 và 3, giữ vai trò tiêu thoát nước cho các khu dân cư 2 bên đường Hoàng Sa, Trường Sa.
Bình luận (0)