Không thảo luận dàn trải nhiều vấn đề, buổi thảo luận tổ chiều 7-7, ngày đầu tiên của kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 16, khóa VII được các đại biểu (ĐB) tập trung phân tích về tính khả thi để thực hiện chỉ tiêu tăng GDP 10% cho cả năm 2009. Việc sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả cũng được các ĐB đem ra “mổ xẻ”.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung kỳ họp sáng 7-7. Ảnh: T.Thạnh
“Không ngủ trưa để bàn về... GDP”!
Đây là câu nói ví von của ĐB Đặng Văn Khoa khi mở đầu buổi thảo luận và cho rằng nhiều ĐB quan tâm chỉ tiêu GDP nên đã bàn luận từ trưa, ngay trước khi bước vào cuộc họp. ĐB Khoa phân tích: “Sáu tháng, GDP của TP chỉ tăng 4,6%, như vậy 6 tháng cuối năm nếu có chạy đua TP cũng không bảo đảm cả năm tăng 10% như nghị quyết mà HĐND TP đã thông qua cuối năm 2008”. Từ băn khoăn này, ĐB Khoa đặt câu hỏi: “Liệu UBND TP có điều chỉnh chỉ tiêu không?”. ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa tiếp lời: “Trước tình hình khó khăn chung này, TP nên điều chỉnh giảm chỉ tiêu GDP chứ không nên đeo đuổi làm gì. Bản thân Chính phủ cũng đã điều chỉnh GDP cả nước còn 5%!”. Không bàn nhiều, ĐB Nguyễn Thế Thanh đi thẳng vào vấn đề: “Sau cuộc họp Thành ủy vừa rồi, tôi trông chờ thông tin điều chỉnh nhưng vẫn chưa thấy TP có động tĩnh gì. Tại sao đến lúc này TP vẫn chưa điều chỉnh giảm chỉ tiêu GDP trong khi khủng hoảng kinh tế ai cũng thấy?”.
Liên quan đến kế hoạch thực hiện trong 6 tháng cuối năm, nhiều ĐB cho rằng giải pháp mà TP đưa ra vẫn còn chung chung và mang tính chủ quan. ĐB Phạm Văn Hải băn khoăn: “Giá xăng tăng sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng, cước vận tải tăng. Đây là khó khăn cho việc tiêu thụ hàng hóa trong nước vì hàng hóa nước ngoài sẽ ồ ạt tràn vào”. Vì vậy ĐB Hải cho rằng TP không nên lạc quan mà phải có chiến lược đón đầu. Còn ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cho biết nhiều chính sách tạo vốn từ Chính phủ đã mở ra cơ hội tăng trưởng cho TP như việc phát hành 20.000 tỉ đồng trái phiếu để “đổ” vào dự án Thủ Thiêm. Tuy nhiên, TP lại chưa có bộ máy điều hành tương xứng để hấp thu nguồn vốn này sao cho hiệu quả.
Ông Trương Văn Lắm, Chánh Văn phòng UBND TP, thừa nhận hiện nay vấn đề ngân sách là chuyện nan giải vì TP phải thực hiện chính sách miễn, giảm, dãn thuế của Trung ương. Ước tính năm nay TP sẽ hụt thu thuế hơn 20.000 tỉ đồng, ngân sách TP thiếu hụt 4.000 tỉ đồng. Do đó, TP chỉ tập trung chi cho các công trình an sinh xã hội, hạn chế đầu tư xây dựng cơ bản, thiếu vốn đến đâu cắt bớt dự án công trình xây dựng cơ bản đến đó.
Ngân sách bị lãng phí
Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP, với 69 dự án của TP sử dụng vốn ngân sách thực hiện chậm tiến độ đã làm tăng vốn đầu tư gần 2.856 tỉ đồng. Ông Huỳnh Công Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đánh giá: Nguồn vốn phân cấp về quận, huyện khá nhiều nhưng kết quả đạt được không bao nhiêu. Nhiều dự án 3-4 năm có quyết định thu hồi đất vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân là do năng lực của ban quản lý dự án quận, huyện còn hạn chế, nhân lực lại thiếu nhưng “ôm” quá nhiều dự án dẫn đến quá tải. Như huyện Cần Giờ, năm 2008 có 262 dự án, Nhà Bè 155 dự án, quận Tân Phú 169 dự án... Theo ông Hùng, dự án chậm tiến độ cũng gây ra tình trạng lãng phí cho ngân sách TP.
Về thực trạng này, ĐB Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: “Quy định về giá đền bù đất nông nghiệp cũng ngáng chân dự án. Bởi hiện nay giá đền bù quá thấp khiến người dân không chấp nhận vì vậy UBND TP nên xem xét lại”. Ông Trương Văn Lắm thừa nhận: “Một thực tế góp phần làm dự án chậm tiến độ là quy định giá đền bù cho dự án công ích khác với giá đền bù của dự án kinh doanh. Do đó khi áp giá, người dân có sự so bì”. Vì vậy ông Lắm kiến nghị Trung ương nên thay đổi quy định này, dù là công trình kinh doanh hay công ích đều phải áp giá đền bù sát với giá thị trường, thậm chí phải có thêm khoản hỗ trợ di dời cho dân...”.
Quảng cáo trên xe buýt: Tại sao không?
“Tại sao TPHCM lại cấm quảng cáo trên xe buýt trong khi cả nước đều thực hiện điều này?”. Đây là câu hỏi xen lẫn bức xúc được nhiều ĐB nêu ra, khi mới đây UBND TP ban hành quy định cấm quảng cáo trên xe buýt.
ĐB Nguyễn Ngọc Hòa thắc mắc: “Trong khi TP đang “khát” vốn cho đầu tư, quảng cáo là kênh huy động nguồn thu hiệu quả nhưng không hiểu vì sao TP lại không cho quảng cáo trên xe buýt?”. Điều này rõ ràng đi ngược lại xu hướng chung vì hằng năm TP vẫn phải bù lỗ cho hoạt động xe buýt hàng trăm tỉ đồng. ĐB Nguyễn Thế Thanh gay gắt: “TP nắm chắc về mặt pháp lý thì tại sao lại sợ cho quảng cáo. Nếu mình quản lý chặt về nội dung thì không sợ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Trong khi các tỉnh, thành khác họ cho quảng cáo ngoài xe buýt có vấn đề gì đâu!”. Vẫn chưa yên tâm, ĐB Thanh đề nghị: Cần thiết HĐND TP nên tổ chức hội thảo về vấn đề này hay có buổi đối thoại với chính quyền TP để làm rõ lý do cấm quảng cáo trên xe buýt!
Hôm nay, 8-7, kỳ họp dành trọn một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Ba sở sẽ tham gia trả lời chất vấn là Sở GTVT, Tài nguyên-Môi trường và Y tế. Ngoài ra, một phó chủ tịch UBND TP sẽ tham gia trả lời chất vấn cùng các sở này.
Phóng viên tác nghiệp ngoài... hành lang!
Kết thúc ngày khai mạc, sau khi nghe “tâm tư” của các phóng viên, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo hứa trong 2 ngày họp còn lại sẽ xem xét cho phóng viên được ngồi trở lại khu vực dành cho báo đài như các kỳ họp trước đây. V.L |
Trình 6 dự án lớn cần lựa chọn nhà đầu tư
Q.H |
Bình luận (0)