Dân ngoại thành sợ “cây quỷ”
Người dân ở ngoại thành gọi cây mai dương là cỏ sóc hoặc cây quỷ, một số người gọi là cây mắt mèo. Anh Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở phường Long Phước, quận 9, ngao ngán: “Cây quỷ này tháng trước còn chút xíu, tháng sau đã cao hơn đầu người, gai đâm ra tua tủa”. Anh Hùng chỉ đám ruộng kín mít cây mai dương lắc đầu: “Năm trước chỗ đó có vài cây, bây giờ đã thành đám rừng, nó mà đã mọc thì không có cách nào trồng lúa được”. Theo nhiều nông dân ở phường Long Phước, những đám ruộng bị cây mai dương xâm lấn ở mật độ dày dù có chặt phá cũng bằng thừa vì hạt mai dương rụng đầy rẫy trong ruộng, chẳng bao lâu nó đồng loạt nảy mầm rồi lớn phổng che ánh sáng mặt trời và hút hết chất dinh dưỡng của hoa màu.
Chỉ trong một ngày khảo sát, chúng tôi đã kinh người khi thấy mức độ lan tỏa của cây mai dương. Nó không chỉ xâm lấn ruộng đất ở quận 9 mà đang mọc đầy ở quận 2, Thủ Đức, 12... Dọc theo Quốc lộ 1A đoạn qua phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đang xuất hiện những cánh đồng mai dương rộng 3-4 ha. Những cánh đồng này như những cánh đồng chết, cây cỏ không mọc nổi, người cũng không bén mảng đến vì mật độ mai dương quá dày đặc, gai nhọn rất dễ gây xây xát.
Cây mai dương không chỉ mọc ở ruộng mà còn xâm lấn vào nhà cửa của dân. Ông Đỗ Văn Nù, nhà ở khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa B, chỉ đám mai dương mọc che phủ đường vào nhà, than thở: “Mới tháng trước, tôi chặt rồi đốt sạch. Không hiểu sao giờ lại như đám rừng, ra vô lạng quạng là nó quệt chảy máu!”.
Phải gấp rút ngăn chặn
Cây mai dương đang từng ngày giết thực vật bản địa ở ngoại thành TPHCM và manh nha trở thành thảm họa như thảm họa ốc bươu vàng. Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Sở NN-PTNT TPHCM, lại không hay biết về sự xuất hiện loại cây này. Ông nói: “Tôi chỉ nghe loại cây quỷ này mọc tràn lan ở phía Bắc chứ ở TPHCM thì chưa thấy”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cũng khẳng định: Chưa thấy mai dương ở TPHCM, nhưng ông cảnh báo: Nếu cây mai dương đã xuất hiện ở TPHCM thì rất nguy hiểm vì nó là loài thực vật ngoại xâm, sinh trưởng theo cấp số nhân, chèn ép và hủy diệt hệ thực vật bản địa, làm đất đai bạc màu.
Theo các tài liệu khoa học, cây mai dương có nguồn gốc từ vùng đất Trung-Nam Mỹ. Mỗi cây mai dương có gần 9.000 hạt. Mỗi hạt nằm trong một đốt trái. Đốt trái rất nhẹ, có lông, do đó dễ phát tán theo gió và theo dòng nước. Trong đề tài nghiên cứu: “Sự phân bố của cây mai dương ở lưu vực sông Đồng Nai”, nhóm tác giả Nguyễn Thị Lan Thi, Trần Phi Hùng, Trần Triết, giảng viên Khoa Sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, phát hiện sự vận chuyển cát khai thác ở sông Đồng Nai và các nhánh sông để sử dụng vào việc xây dựng là phương tiện phát tán hạt mai dương quan trọng. Phát hiện này lý giải vì sao những huyện ngoại thành xa sông Đồng Nai, Sài Gòn như quận Bình Tân vẫn đầy rẫy cây mai dương.
Tiến sĩ Lê Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cần Giờ, một người nghiên cứu lâu năm về hệ động thực vật ở VN, cho rằng TPHCM cần có dự án chống sự bành trướng của cây mai dương để bảo toàn sự đa dạng sinh học và tránh những hậu quả khó lường khác! Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đề xuất: Phải nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự phát tán của cây mai dương ngay từ đầu!
Trở tay không kịp! Do không tiêu diệt cây mai dương ngay từ đầu, các tỉnh, thành như Quảng Trị, Lâm Đồng, Kon Tum, Đồng Tháp, Đồng Nai... đang đau đầu với mai dương. Cây mai dương bùng phát quá nhanh, lấn chiếm đất canh tác, ngăn cản dòng chảy kênh mương, gây thương tích cho người và gia súc... Điển hình nhất là Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp, từ việc chỉ có một vài cây, hiện nay đã xâm lấn đến 2.000 ha (gần 1/3 diện tích vườn). Nhiều tiền bạc đã đổ vào công tác tiêu hủy mai dương bằng các biện pháp từ thủ công (chặt, đốn) đến sinh học (thả mọt để đục khoét hạt) và hóa học (dùng thuốc diệt cỏ).... nhưng mức độ lan tỏa và sức sống bền bỉ của cây mai dương vẫn là một thách thức lớn! |
Bình luận (0)