Để biết rõ đường dây gắn đồng hồ điện (ĐHĐ) “chui”, phóng viên Báo NLĐ trong vai người cần gắn ĐHĐ, trực tiếp tiếp xúc với “cò” hoặc những người xưng là cán bộ ngành điện và khám phá nhiều bất ngờ.
![]() Hợp đồng mua bán điện của một hộ dân xây nhà không phép ở ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh – TPHCM với Điện lực Bình Chánh |
Bao từ A đến Z
Không khó để chúng tôi gặp được “cò” và “đầu nậu” chuyên gắn ĐHĐ cho người dân, bởi đi đến đâu họ đều để lại số điện thoại để bắt mối. Hầu như mỗi ấp, khi “đầu nậu” đoán được tình hình nhà cửa dễ dàng mọc lên là lập tức... rải quân và đưa ra mức hoa hồng mỗi lần giới thiệu là 200.000 đồng/đồng hồ.
Ở ấp 1 có “cò” Hương; ấp 2, ấp 3 và ấp 4 (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) có “cò” Đức. Đặc biệt là “đầu nậu” Tuấn, người tự xưng trực tiếp làm trong Điện lực Hóc Môn.
Chiều 24-5, thông qua một người quen, chúng tôi dễ dàng gặp được Tuấn. Biết chúng tôi có nhu cầu gắn ĐHĐ tại khu vực ấp 4, xã Đông Thạnh, không chút ngần ngại, Tuấn liền móc ngay danh thiếp có in tên và số điện thoại của mình để tiếp thị.
Khi tiếp chúng tôi, Tuấn còn mặc nguyên bộ đồ xanh vải jeans, trên vai áo có logo của Điện lực Hóc Môn. Tuấn khoe: “Mới đi gắn điện ở ấp 6 về. Tuần này mệt quá, làm hơn 10 cái. Em gặp anh là đúng chỗ rồi. Ở Đông Thạnh, anh làm nhiều lắm. Một tuần gắn hơn chục cái, cao điểm có khi lên đến 20 cái”.
Tuấn vào chuyện: “Em chỉ nhà để tụi anh đến khảo sát xem nhà cách lưới bao xa để biết mà tính tiền”. Chúng tôi tỏ vẻ lo ngại: Nhà xây lén, chưa có giấy tờ, không được cấp số nhà, chưa đăng ký tạm vắng, tạm trú liệu có gắn ĐHĐ được không?
Tuấn cười khẩy: “Có vậy mới nhờ tụi anh chứ. Tụi anh lo từ A đến Z. Em chỉ cần đưa CMND bản chính và bản photocopy để tụi anh lên công an xã chứng. Sau đó em đưa một nửa tiền, trong vòng 10 ngày có đồng hồ thì đưa hết. Giá 3,5 triệu đồng”.
Chúng tôi đắn đo: “Sao mắc vậy? Ở ấp 1 và ấp 2 người ta bảo giá chỉ 3 triệu đồng?”. Tuấn giải thích ngay: “Tùy nơi chứ em, ấp 1, ấp 2 rẻ hơn ấp 4 vì tiền chứng giấy tờ qua xã rẻ hơn. Nhưng ở đây còn rẻ chứ qua xã Thới Tam Thôn giá phải từ 4-4,5 triệu đồng đó. Gắn hay không tùy em!”.
Để lấy lòng tin với chúng tôi, Tuấn khoe mình hiện làm trong tổ điện cơ của Điện lực Hóc Môn, chuyên nhận gắn ĐHĐ dịch vụ. Tuấn chia tổ mắc điện 200.000 đồng và nhiều tầng nấc trung gian khác.
Chúng tôi đặt vấn đề: “Có người quen cần gắn ĐHĐ “chui” ở quận 12, có lo được không?”. Tuấn đáp ngay: “Được chứ, ở quận 12, phường nào cũng làm được, nhanh nhất là phường Thạnh Lộc, An Phú Đông, Hiệp Thành, Thạnh Xuân... vì là khu dân cư đang phát triển và giá gắn ĐHĐ ở đây sẽ rẻ hơn ở Hóc Môn!”.
Gắn luôn số nhà cho dân?
Đến ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chúng tôi được giới thiệu gặp ông Ranh, một “cò” thường xuyên mai mối gắn ĐHĐ với nhân viên Điện lực Bình Chánh. Mỗi lần mai mối, ông Ranh được trả từ 200.000 – 300.000 đồng tiền hoa hồng.
Ông Ranh nói ngay: “Nghe cô hỏi, tôi gọi cho Điện lực Bình Chánh nhưng họ nói ngưng một – hai tuần nữa hãy làm, vì gần đây có đơn khiếu nại của dân lên UBND xã về việc nhà xây không phép mà vẫn có điện xài”.
Chúng tôi hỏi về giá cả, ông Ranh không ngần ngại: “Cứ đưa họ 5 triệu, ba ngày có ĐHĐ xài!”. Thế còn thủ tục qua xã thì sao? Ông Ranh nói ngay: “Chỉ cần photocopy hộ khẩu, CMND, sổ đỏ miếng đất, không cần lên xã. Điện lực cấp số nhà tạm luôn, sau này lấy số đó mà xài. Trước khi gắn ĐHĐ, họ lên khảo sát, coi nhà kế bên số bao nhiêu rồi về tự thêm A, B, C, D ở đuôi rồi cấp cho dân. Cứ làm đi, tôi mới giới thiệu làm một cái ở ấp 1”.
Quả thật, khi đi khảo sát một vòng ấp 1, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà lụp xụp lợp tạm bằng tôn cũ cũng có số nhà, kế bên là ĐHĐ đặt chễm chệ. Thậm chí có nhà được gắn số có một không hai: Kế F12/18...”, gần đó là cả chục số nhà na ná, như F12/18C, F12/18X, F12/18N...
Theo các “cò”, đây là cách để điện lực hợp thức hóa gắn ĐHĐ cho nhà dân, bởi hầu hết nhà ở đây đều xây dựng không phép, nếu đi xin chính thức thì không được. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại ấp 1, ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.
Xác nhận với phóng viên Báo NLĐ, ông Võ Hoàng Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết: “Do tình hình xây cất nhà, gắn ĐHĐ phức tạp nên từ giữa năm 2008 đến nay, chúng tôi yêu cầu công an xã chỉ xác nhận tình trạng cư trú của người dân, không xác nhận số nhà vì không thuộc thẩm quyền của xã. Chúng tôi kiên quyết không cấp số nhà cho những trường hợp nhà xây không phép, sai phép, đang có quyết định xử lý. Điều lạ là những căn nhà chúng tôi đề nghị không cấp số nhưng vẫn có số treo lủng lẳng và được gắn ĐHĐ. Trong tháng 1 và tháng 2 -2009, chúng tôi thống kê sơ bộ có 29 trường hợp như vậy...”.
“Nếu xa, chị cho thêm chút đỉnh!”
|
Gắn ĐHĐ cho nhà bị đình chỉ xây dựng
|
Bình luận (0)