Theo kế hoạch, cuối tháng 12-2010, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành di dời tuyến ống cấp nước D2000 mm trên cầu Điện Biên Phủ để thực hiện dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Việc làm này sẽ dẫn đến tình trạng nước yếu, thiếu và đục cục bộ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân TPHCM trong thời gian dài.
26 xe bồn được huy động chở nước sinh hoạt đến người dân ở những khu vực thiếu nước. Ảnh: TẤN THẠNH
Ảnh hưởng trên diện rộng
Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đây là tuyến ống cấp nước lớn nhất được di dời từ sau năm 1976 đến nay. Thời gian dự kiến từ ngày 29-12-2010 đến 12-1-2011, đây cũng là thời điểm nhạy cảm vì rơi vào dịp Tết Dương lịch.
Tuy nhiên, theo SAWACO, việc di dời tuyến ống là cấp thiết nhằm phục vụ cho một dự án trọng điểm của TP, thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu lớn là cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và xây dựng tuyến cống thoát nước có đường kính 3 m nằm dưới lòng kênh, đưa nước thải về trạm xử lý trước khi thải ra sông.
Tại vị trí cầu Điện Biên Phủ, việc cải tạo, nạo vét lòng kênh và đặt cống thoát nước bị vướng tuyến ống cấp nước hiện hữu D2000 mm dẫn nước lọc từ Nhà máy Nước Thủ Đức về cấp cho TP.
Theo phương án thi công, tuyến ống D2000 mm này sẽ được đóng chặn và thay thế bằng một tuyến ống mới được di dời xa hơn và đặt sâu hơn 20 m so với tuyến ống cũ.
Trong thời gian đóng chặn tuyến ống D2000 mm, việc cung cấp nước cho người dân TP sẽ được chuyển qua tuyến ống tạm D1200 mm đặt trên cầu Điện Biên Phủ.
Do thay đổi đường ống hẹp hơn nên lưu lượng và áp lực nước tại nhiều quận nội thành sẽ suy giảm và ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân ở quận 1, 3, 5, 10 (trừ phường 15), một số khu vực của quận 11 (phường 4, 6, 7, 12, 13, 15, 16) và một phần quận 6 và quận 8.
Giải thích lý do phải chọn tuyến ống hẹp hơn, SAWACO cho rằng nếu sử dụng đường ống lớn hơn sẽ ảnh hưởng đến kết cấu cầu Điện Biên Phủ, chưa kể nước cấp qua ống tạm này được khoan từ ống D2000 mm hiện hữu nên không thể khoan lỗ lớn hơn D1200 mm vì sẽ ảnh hưởng đến kết cấu ống D2000 mm.
Phát hết công suất, huy động xe bồn
Để hạn chế tối đa việc xáo trộn đời sống người dân, liên tục nhiều tháng qua, các chuyên viên SAWACO phải làm việc cật lực cùng với các công ty cấp nước, các nhà máy, trạm cấp nước để đưa ra các biện pháp đối phó.
Trong đó, phương án chuyển nước từ khu vực ít hoặc không ảnh hưởng đến khu vực bị ảnh hưởng được vận dụng hết công suất. Ngoài ra, hơn 26 xe bồn cung cấp nước cho các khu vực nước yếu sẽ vận hành 24/24 giờ.
Cụ thể, thông qua tuyến ống D1500 mm Bình Thái – Bình Lợi, sẽ chuyển nước từ Nhà máy Nước Thủ Đức (ngã ba Bình Thái qua cầu Bình Lợi) nhằm tăng cường lượng nước và áp lực cho khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, 3, 10 và một số khu vực nước yếu của quận 11.
Riêng một số hộ dân sử dụng nước của Nhà máy Nước BOO Thủ Đức sẽ chuyển sang sử dụng nước của Nhà máy Nước Thủ Đức nhằm giảm tải cho tuyến ống này.
Song song đó, Nhà máy Nước BOO Thủ Đức sẽ cung cấp thêm cho khu vực quận 1 và 5 thông qua tuyến ống Bến Vân Đồn, cầu Calmette, Nguyễn Khoái, cầu Chữ Y.
Ngoài ra, nhằm tăng cường lưu lượng nước BOO Thủ Đức về quận 3, SAWACO sẽ đưa vào vận hành tuyến ống D600 mm Nguyễn Văn Trỗi. Các nhà máy nước Thủ Đức, Tân Hiệp, Nhà máy Nước ngầm Sài Gòn sẽ phát hết công suất, riêng BOO Thủ Đức sẽ tăng công suất phát nước tối đa lên 400.000 m3/ngày (hiện chỉ phát 300.000 m3/ngày).
Theo đánh giá của SAWACO, tất cả các biện pháp trên sẽ được thực hiện đồng đều, liên tục, áp lực nước một số nơi sẽ tăng hơn, một số nơi giảm một ít. Tuy nhiên, vẫn có một số khu vực thiếu nước như đường Hùng Vương, Trần Nhân Tôn, Lý Thường Kiệt, Lữ Gia (thuộc quận 5, 10, 11); Châu Văn Liêm, Hồng Bàng, Phạm Phú Thứ (quận 6) và Tùng Thiện Vương (quận 8).
Tại những nơi này, người dân sẽ sử dụng nước do xe bồn chở đến. Do đó, SAWACO kiến nghị UBND TP yêu cầu Sở GTVT cấp phép 24/24 giờ cho các xe bồn chở nước đến những khu vực trên.
Theo SAWACO, ngoài việc nước yếu, nhiều khả năng nước bị đục cục bộ kéo dài nhiều ngày do việc xáo trộn áp lực nước sẽ xảy ra. Khi tính cước, SAWACO sẽ khấu trừ lượng nước đục theo nguyên tắc trung bình tiêu thụ. |
Bình luận (0)