Cách trung tâm TP Tân An, tỉnh Long An chưa đến 3km, tại xã Lợi Bình Nhơn, một bãi rác khổng lồ, bốc mùi hôi thối quanh năm đã tồn tại ở đây từ mấy chục năm qua. Do quy mô quá lớn của bãi rác này nên người dân TP Tân An đặt tên là “núi rác bà đen”.
Bãi rác tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa bị xem là ô nhiễm nhất cả nước
Những núi rác
Ghé vào một ngôi nhà bên đường, cách “núi rác” khoảng 150m, chủ nhà là một ông già cao, gầy, tự giới thiệu: “Tôi là Nguyễn Văn Vạn, năm nay 74 tuổi, đã chung sống với bãi rác này ngót 30 năm”.
Vừa nói, cụ Vạn vừa mở cửa mời chúng tôi vào nhà liền đóng chặt cửa lại rồi nói tiếp: “Mong muốn lớn nhất của người dân là Nhà nước ra lệnh đóng cửa và di dời bãi rác này bởi dân ở đây đã gánh chịu quá nhiều di hại từ “núi rác”, dù người dân địa phương đã kiến nghị từ 10 năm qua...!”.
Câu chuyện của cụ Vạn bị đứt quãng bởi một cơn ho dài. Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Trinh, con gái cụ, tiếp lời: “Núi rác” này gây ô nhiễm đến nỗi những dải ruộng nằm cạnh lúc nào nước cũng đen ngòm, lúa, cá đều không sống nổi. Trâu, bò cũng thường xuyên bị ngộ độc do uống nước ao, nước ruộng bị ô nhiễm.
Không thua kém, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, ô nhiễm nhất hiện nay có thể kể đến bãi rác Trảng Dài, nằm ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa. Đây là bãi rác được Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) xếp hạng “đứng đầu cả nước về ô nhiễm”, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải đề nghị đóng cửa.
Nhưng nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này vẫn không được cải thiện. Cạnh bãi rác này là một bãi rác khác do Công ty CP Môi trường Đồng Xanh quản lý.
Trong năm 2009, do bức xúc việc công ty này xử lý rác gây ô nhiễm môi trường, hàng trăm người dân phường Trảng Dài đã kéo đến trước cổng công ty chặn xe rác và buộc phải di dời bãi rác ra khỏi khu dân cư.
Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng buộc công ty này phải đầu tư hệ thống xử lý rác hợp vệ sinh và khắc phục tình trạng ô nhiễm trước ngày 15-7-2009.
Tuy nhiên, đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Nơi đây vẫn còn đang lưu giữ khoảng 10.000 tấn rác và 200 m3 nước rỉ rác chưa được xử lý.
Bãi rác Lợi Bình Nhơn (Long An) đã chứa trên 200.000 tấn rác lưu cữu. Đó là chưa kể mỗi ngày, bãi rác này
phải nhận thêmkhoảng 50 tấn rác từ trong nội thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân khốn khổ
Mùng 2 Tết Nguyên đán vừa qua, bãi rác khổng lồ nằm giữa lòng thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An bỗng bốc cháy dữ dội, hàng trăm người dân sống xung quanh bãi rác này phải thay nhau bơm nước chữa cháy nhưng vẫn không tài nào dập tắt được ngọn lửa.
Sau vụ cháy, do khói bốc lên dữ dội, không chịu nổi ô nhiễm, nhiều người dân đã phải di tản đến nơi khác để tránh những chứng bệnh về mắt. Bãi rác này do huyện Cần Đước xây dựng, quá tải nên hơn 10 năm qua đã gây khốn khổ đến cuộc sống của hàng ngàn người dân sở tại.
Anh Nguyễn Văn Xê, người sống gần “núi rác bà đen”, tỉnh Long An, phản ánh: “Trước kia, ở đây nhà nào cũng có ao nước để tắm giặt. Còn bây giờ, người dân không dám sử dụng nước ở những cái ao này vì sợ mắc bệnh”.
Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Diệu, ngụ ấp Ngãi Lợi A, xã Lợi Bình Nhơn, cho biết “núi rác” này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hai ấp Xuân Hòa 1 và Ngãi Lợi A, gián tiếp lan ra nhiều xã khác, thậm chí còn ảnh hưởng đến nội thành.
Ông Trần Ngọc Sương, Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn, bổ sung: “Mùi hôi thối từ “núi rác” thường xuyên tấn công thẳng vào trụ sở UBND xã, làm cho nhiều người không thể làm việc.
Vào mùa mưa, nhất là khoảng tháng 5 âm lịch, đi đâu cũng bị ruồi quấy nhiễu. Thậm chí, lúc chạy xe máy, ruồi cũng bâu được vào người. Mâm cơm của người dân địa phương bị ruồi bâu đen đã tồn tại ở đây cả chục năm rồi”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lê, sinh sống gần bãi rác Trảng Dài, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, bức xúc: Mùi hôi của rác bốc lên cả ngày đêm, ruồi nhặng vào đầy nhà, mùa mưa năm trước, nước rỉ rác hòa chung với nước mưa tràn vào nhà dân, không thể chịu nổi.
Ở gần bãi rác, ông Lê Tư, cũng hết sức bức xúc việc nước rỉ rác thấm vào mạch nước ngầm, xuống giếng làm nguồn nước ô nhiễm nặng. “Năm 2007, gia đình tôi đào một cái giếng sâu 16 m nhưng bơm lên nước đen sì, có mùi hôi nồng nặc.
Đến năm 2009, tôi khoan tiếp giếng này sâu trên 30 m nhưng cũng gặp phải tình trạng tương tự. Con cháu tôi nhiều đứa sử dụng nước này tắm cũng bị ghẻ ngứa khắp mình”- ông Tư nói.
Hứa... sẽ đóng cửa!
Theo Sở TN-MT tỉnh Long An, sau 30 năm tồn tại, bãi rác Lợi Bình Nhơn đã chứa trên 200.000 tấn rác lưu cữu. Đó là chưa kể mỗi ngày, bãi rác này phải nhận thêm khoảng 50 tấn rác từ trong nội thành. Như vậy, bình quân mỗi tháng, bãi rác này chứa thêm 1.500 tấn. Trong khi đó, diện tích chỉ có 1,8 ha.
Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở TN-MT Long An, nhìn nhận: Rác đang là vấn đề nan giải của tỉnh. Không chỉ bãi rác Lợi Bình Nhơn quá tải mà hầu hết bãi rác ở các huyện phía
Mặc dù vậy, hiện nay, tỉnh chỉ mới thu gom, xử lý khoảng một nửa số rác sinh hoạt phát sinh hằng ngày. Bên cạnh đó, các loại rác độc hại thải ra từ các KCN vẫn chưa có cách xử lý.
“Cuối năm nay, tỉnh sẽ chính thức đóng cửa bãi rác ở xã Lợi Bình Nhơn, đồng thời tổ chức di dời rác ra khỏi khu vực này. Kinh phí dành cho việc di dời bãi rác này lên đến 13 tỉ đồng”- bà Phép khẳng định.
“Núi rác bà đen” đang lấn dần nhà dân
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 7 khu xử lý rác thải sinh hoạt và 3 khu xử lý rác liên huyện, liên đô thị. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án này diễn ra rất ì ạch.
Hiện chỉ mới có duy nhất khu xử lý rác tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai với công suất chỉ 55 tấn/ngày đi vào hoạt động. Các dự án còn lại đang đầu tư với tốc độ “rùa” do thiếu vốn.
Chính vì vậy, trong số 43 bãi rác “lậu” đang sử dụng để lưu trữ rác tạm thời, chỉ có UBND 3 huyện Định Quán, Long Thành và Thống Nhất đóng cửa được 4 bãi rác lậu. Số còn lại, các địa phương không dám mạnh tay đóng cửa vì không biết chứa rác ở đâu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bãi rác Trảng Dài phải đóng cửa trong năm 2010. Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho biết để đóng cửa bãi rác này và thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, hiện các đơn vị liên quan đã hoàn tất thi công giai đoạn 1 để xây dựng 3 hố rác sinh hoạt, 3 hố rác công nghiệp, hệ thống xử lý nước rỉ rác. Sắp tới, địa phương sẽ triển khai tiếp giai đoạn 2 để xây dựng 6 hố rác sinh hoạt, 2 hố rác công nghiệp.
Rác đưa về TPHCM
|
Bình luận (0)