Nhưng khi trở lại chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, cũng chừng ấy người chạy xe ba gác chúng tôi gặp năm trước, đến thời điểm này vẫn lắc đầu “chưa biết phải làm gì!”. Khi chúng tôi hỏi: Thời gian dài như vậy vì sao chuẩn bị không kịp? Câu trả lời vẫn là “tại nghèo, học vấn thấp”. Tôi nhớ mãi hình ảnh của một phụ nữ mang thai 4 tháng, hằng ngày vẫn chạy xe ba gác ngang xóm tôi bán trái cây, rau củ. Hỏi sao phụ nữ mà chọn cái nghề cực? Chị cười: “Nghèo quá, với lại chị không biết chữ. Đi làm nghề này còn có đồng ra đồng vô, chứ biết làm gì!”.
Còn những người thuộc diện xóa đói giảm nghèo đã nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách TP, có người bỏ ống heo, có người đem trả nợ hoặc làm vốn buôn bán nhỏ. Đến khi hết tiền, họ lại móc ống heo ra xài đỡ. Vòng luẩn quẩn về cái nghèo lại đeo bám họ.
Đây là nỗi lo có thật ở rất nhiều địa phương có số hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo cao. Một cán bộ trong Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo của một huyện, trăn trở: Vì nghèo nên khi có tiền trong tay, họ không nghĩ được xa mà chỉ lo cái gần như trả nợ, sắm cái tủ, cái giường, chiếc xe cho con đi học... Vì vậy chẳng mấy chốc tiền hỗ trợ hết, trong tay không còn phương tiện mưu sinh, không biết họ sẽ sống ra sao!?
“Phải dõi theo bước chân họ. Không thể để họ tự bơi khi không còn phương tiện mưu sinh. Nếu phát sinh khó khăn, hệ lụy thì báo cáo UBND huyện ngay để có hướng xử lý!”- phát biểu của vị cán bộ xóa đói giảm nghèo rất thực tế và cũng đầy trách nhiệm. Đây cũng là mong muốn của lãnh đạo TP khi vận động người dân thực hiện chủ trương cấm, hạn chế xe 3, 4 bánh thô sơ.
Bình luận (0)