xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường cao tốc bị lún!

Phương Thanh (Thanh Niên)

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ sau 2 tháng thông xe tạm đã bắt đầu có hiện tượng lún cục bộ, tạo thành các gờ cao thấp và lồi lõm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đưa vào khai thác từ ngày 3-2-2010, cho phép các loại ô tô chạy với tốc độ tối đa 100 km/giờ (tốc độ tối đa theo thiết kế là 120 km/giờ).

Con đường này hiện vẫn là sự lựa chọn số một cho xe từ TP.HCM đi miền Tây và ngược lại, do mặt đường phẳng, độ bám dính tốt và cấm xe gắn máy lưu thông nên ô tô có thể chạy với tốc độ cao.  

img
Hàng rào hai bên đường cao tốc nhiều đoạn đã bị tháo dỡ, gây nguy hiểm nếu có người băng ngang đường - Ảnh: P.T

Nguy cơ tai nạn

Tuy nhiên, gần đây trên hơn 40 km đường cao tốc bắt đầu xuất hiện nhiều vị trí lồi lõm khiến xe cộ bị dằn xóc khi lưu thông, nhất là tại các đoạn lên và xuống các cầu vượt trên tuyến, đoạn qua các khe co giãn bằng sắt... 

"Đường cao tốc mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng mà đã lún chứng tỏ việc thiết kế, thi công có thiếu sót". - Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM 

Ở hướng từ TP.HCM đi Tiền Giang, tại Km 38, chạy với tốc độ 100 km/giờ có thể cảm nhận rất rõ xe bị nảy lên. Đoạn qua cầu vượt Tân An, đường xuất hiện những khoảng lõm khiến xe bị nhồi liên tục.

Càng về gần đến Tiền Giang thì đường càng xấu, cảm giác xe bị dằn xóc càng rõ. Nhất là tại Km 48, cả một đoạn dài vài trăm mét gập ghềnh, lồi lõm, có thể cảm nhận rõ khi ngồi trên xe và quan sát được bằng mắt thường. 

Phần đường từ Tiền Giang về TP.HCM còn xấu hơn vì nhiều đoạn có dấu hiệu lún rõ rệt, nhất là đoạn gần địa phận tỉnh Tiền Giang. Thậm chí tại các Km 49 - 48 còn xuất hiện các gờ dọc chạy dài giữa 2 làn đường khiến xe đang lưu thông với tốc độ cao gặp khó khăn khi chuyển làn.

Tương tự, tại các Km 44, 39, 35, 34, đường mấp mô, gồ ghề thấy rõ làm xe chạy với tốc độ cao liên tục nảy lên. Đoạn qua các Km 26, 25, 24 cũng mấp mô, có đoạn thấy rõ đường bị võng hẳn xuống, giữa 2 làn đường xuất hiện gờ dọc chạy dài nhiều km. Đến Km 15 hiện tượng dằn xóc vẫn còn, về đến gần TP.HCM thì mặt đường tương đối phẳng... 

Không chỉ phần đường cao tốc, mà nhánh đường dẫn phía TP.HCM cũng bắt đầu xuất hiện nhiều đoạn lún đến 10 - 15 cm tại các điểm tiếp giáp các cống băng ngang đường, cầu vượt kênh rạch.

Điều đáng nói là gần các điểm đường bị lún xuống thấp so với mặt cầu hoàn toàn không có biển báo “đường chờ lún” hoặc gờ giảm tốc nên xe cộ qua đây vô tư nhấn ga chạy với tốc độ cao và thường bị nhảy chồm lên.

img
Đường cao tốc bắt đầu có hiện tượng lún, không còn bằng phẳng như trước

Tiếp xúc với Thanh Niên, một chuyên gia giao thông cho rằng, đường cao tốc thiết kế cho xe chạy với tốc độ cao, do đó việc xuất hiện các gờ cao thấp, lồi lõm rất nguy hiểm vì sẽ gây lết tay lái, dằn xóc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Mặt khác, hiện tượng lún sẽ làm xuất hiện các vùng trũng chứa nước (nhất là vào mùa mưa) gây ra hiện tượng Hydroplaning (hay còn gọi là Aquaplaning) làm xe bị lết hoặc quay tròn khi đổi làn. Đây là hiện tượng xảy ra khi lớp nước tạo bề mặt phân cách giữa lốp và mặt đường, khiến xe không thể điều khiển được và phanh cũng không ăn.

Theo các nghiên cứu, Hydroplaning xuất hiện khi xe chạy ở tốc độ trên 80 km/giờ qua vũng nước. Xe chạy nhanh, lốp mòn (nếu bánh xe không có gai tối thiểu 3 mm) thì độ bám đường giảm và Hydroplaning càng dễ xảy ra, có thể gây tai nạn kinh khủng.

Lún là bình thường?

Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Ngọc Dũng - Phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) Mỹ Thuận, chủ đầu tư - cho rằng, hiện tượng lún trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương và các tuyến nối là “hoàn toàn bình thường”.

Theo ông Dũng, toàn tuyến đường cao tốc đi qua khu vực địa chất yếu, có nơi túi bùn sâu đến 28m (đoạn ranh giới giữa Long An và Tiền Giang). Do đó, PMU và đơn vị thi công vẫn thường xuyên đặt quan trắc lún sau khai thác, chờ lún đến một mức nhất định sẽ tiến hành bù lún.

PMU sẽ tính toán theo từng vị trí, chiều sâu của túi bùn để có phương án bù lún hiệu quả. Trong đó, theo dõi sát 2 vị trí đang lún là đoạn gần cầu vượt Tân An (Long An) và đoạn qua khỏi Long An để sang địa phận Tiền Giang.

Về việc xuất hiện các gờ dọc giữa 2 làn đường, ông Dũng đưa ra giả thiết có thể do một trong hai làn có nhiều xe lưu thông hơn nên bị lún so với làn kia, chứ không có chuyện việc đổ bê tông không đồng nhất. Ông Dũng khẳng định hiện tượng lún trên đường cao tốc nằm trong phạm vi cho phép.

Trong khi đó, ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - nhận xét, việc đường cao tốc mới đưa vào khai thác hơn 2 tháng mà đã lún, chứng tỏ việc thiết kế, thi công có thiếu sót.

Theo ông Sanh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do không khảo sát địa chất kỹ, không đảm bảo được thời gian ổn định đất (phải chờ đến 2 - 3 năm đối với công trình lớn) và ứng dụng chưa tốt các công nghệ hiện đại để xử lý nền đất yếu.

img
Tại địa phận tỉnh Tiền Giang, do chưa hoàn thành hạng mục cầu vượt
nên phải bố trí bảo vệ đưa người dân băng ngang đường cao tốc rất nguy hiểm

Hiện nay, không chỉ đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương mà rất nhiều công trình khác đang bị "giú ép", thời gian hoàn thành cấp bách dẫn đến sau khi đưa vào sử dụng còn nhiều khiếm khuyết, phải sửa đi sửa lại nhiều lần.
 
"Tiến độ là thời gian cần thiết để thực hiện một phần việc theo trình tự và chất lượng tương xứng, do đó việc cắt giảm thời gian một cách tùy tiện sẽ cho ra đời những sản phẩm không hoàn thiện, giống như ăn trái chín cây thì bao giờ cũng ngon lành hơn trái giú ép", ông Sanh nói.

TS Phùng Mạnh Tiến - Phân viện Khoa học GTVT phía Nam - khuyến cáo, PMU Mỹ Thuận và đơn vị thi công cần theo dõi kỹ tình trạng lún của đường cao tốc xem có nằm trong khả năng cho phép hay không (ở đầu cầu có thể cho phép lún đến 10 cm, đường cho phép lún đến 30 cm).

Nếu xuất hiện các hiện tượng bất thường như lún quá giới hạn hay lún không đều gây nứt, gãy mặt đường thì cần phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục ngay.

Theo phản ánh của các tài xế, toàn bộ tuyến đường cao tốc chính dài hơn 40 km nhưng lại không có lấy một trạm xăng và trạm dừng chân. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều xe bị hết xăng giữa đường đành phải trông chờ vào lực lượng cứu hộ vốn rất hạn chế. Đồng thời, trên đường thường xuyên thấy cảnh nhiều xe dừng lại hai bên để hành khách đi vệ sinh rất nhếch nhác và phản cảm.

Theo quy định, dọc đường cao tốc phải rào chắn lưới B40 ngăn phương tiện, người, súc vật băng ngang nhằm đảm bảo an toàn cho xe chạy với tốc độ cao. Tuy nhiên, hiện rất nhiều đoạn vẫn chưa có rào chắn hoặc hàng rào bị đổ gãy, mất cắp, như tại các Km từ 33 - 42...

Tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang), do chưa hoàn thành hạng mục cầu vượt nên Trung tâm Quản lý đường cao tốc phải bố trí nhân viên dẫn người dân, học sinh băng qua băng lại đường cao tốc rất nguy hiểm...

Ông Đỗ Ngọc Dũng cho rằng do trong quá trình thông xe tạm nên còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện dẫn đến chưa thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Về việc xây trạm dừng chân, ông Dũng cho biết PMU Mỹ Thuận đã kiến nghị Chính phủ huy động vốn tư nhân xây trạm dừng trên đường cao tốc đoạn qua tỉnh Long An.
P.T

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo