Tháng 4-2009, Bộ GTVT phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng 5,3 km Quốc lộ 1A đoạn qua TP Tân An - tỉnh Long An với tổng kinh phí 259,8 tỉ đồng. Dự án đi qua 3 phường 2, 4, 5 - TP Tân An với 976 hộ dân và 12 cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn tất vào cuối năm 2010 nhưng hiện đơn vị thi công vẫn chưa thể thực hiện dự án do người dân không đồng ý đóng góp một nửa số tiền đền bù.
Một người dân ở phường 5, TP Tân An -tỉnh Long An với đơn khiếu nại vì bị ép đóng góp 50% tiền đền bù giải tỏa
Tùy tiện cắt xén
Ngày 26-6-2009, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án này, dù thấp hơn thị trường rất nhiều nhưng người dân vẫn chấp nhận. Tuy nhiên, khi Ban Đền bù giải phóng mặt bằng (ĐBGPMB) TP Tân An mời đến nhận tiền đền bù, bà con hết sức bức xúc: Chẳng những không có tiền hỗ trợ tái định cư 50% như quyết định của UBND tỉnh mà tất cả chỉ nhận 50% giá trị bồi thường về đất và tài sản trên đất, 50% còn lại được UBND TP “công nhận tự nguyện đóng góp cùng Nhà nước làm đường giao thông”. Giấy “công nhận tự nguyện” được UBND TP làm sẵn và phát kèm 50% số tiền mà hộ dân nhận.
Ông Phan Xích, một cán bộ hưu trí ở phường 5 - TP Tân An, cho biết hộ ông bị giải tỏa 44 m2 nhưng chỉ nhận được 132 triệu đồng thay vì 264 triệu đồng. Hộ bà Hồ Thị Chính bị giải tỏa 102 m2, lẽ ra phải được bồi thường 612 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 306 triệu đồng; ông Nguyễn Hoàng Minh bị giải tỏa 100 m2, chỉ nhận 300 triệu đồng thay vì 600 triệu đồng...
Phường 5 có 199 hộ bị giải tỏa, số tiền bồi thường bị UBND TP Tân An trừ lại 50% lên đến gần 22 tỉ đồng. Số hộ bị giải tỏa ở hai phường 2 và 4 nhiều hơn 2,5 lần, như vậy tổng số tiền đền bù bị trừ mất trong dự án này là trên 70 tỉ đồng.
Ở phường 2 và phường 4, khi chúng tôi hỏi bất kỳ người dân nào trong vùng dự án, họ đều hết sức bức xúc khi bị trừ 50% tiền đền bù thiệt hại. Ông Trần Văn Ninh, ngụ phường 4, ngao ngán: “Người dân bị ép đóng góp chứ tự nguyện gì! Chúng tôi đã yêu cầu Ban ĐBGPMB TP cứ đền bù 100%, sau đó vận động đóng góp theo khả năng từng người nhưng không được chấp nhận”.
Nhiều người sau khi nhận tiền đã gửi đơn khiếu nại, yêu cầu UBND TP Tân An chi trả đủ tiền đền bù thiệt hại và khoản hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Long An; đưa ra văn bản cho phép Ban ĐBGPMB được trừ 50% tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hiện UBND TP Tân An vẫn chưa có văn bản phản hồi.
Càng khiếu nại càng mất đất
Tại phường 5, có hàng chục hộ dân khi kê biên thì đủ diện tích giải tỏa nhưng lúc niêm yết danh sách nhận tiền bồi thường lại bị giảm khá nhiều. Hộ bà Lưu Thị Hạnh kê biên 137 m2 nhưng niêm yết chỉ còn 48,5 m2; bà Thái Thị Nhứt từ 65 m2 còn 17,5 m2; ông Nguyễn Văn Tâm từ 78 m2 còn 22 m2...
Trớ trêu hơn, có những người càng khiếu nại thì diện tích đất nhận đền bù càng bị mất thêm. Lúc kê biên, diện tích giải tỏa của hộ ông Hồ Văn Phải là 128 m2 nhưng khi niêm yết còn 118 m2. Ông Phải khiếu nại thì diện tích đền bù giảm còn 68 m2. Ông Phải tiếp tục khiếu nại và diện tích đền bù lại giảm xuống chỉ còn... 6,8 m2! Khiếu nại lần thứ tư, ông Phải được cơ quan chức năng TP Tân An giải thích là do trừ lề và lộ giới. Tuy nhiên, diện tích trong sổ đỏ của ông Phải thể hiện rõ phần đất kê biên lần đầu không hề bị cắt lề, lộ giới.
Quốc lộ 1A đoạn qua phường 5 trước đây là đồng trống nên không có lề, do đó trong sổ đỏ của người dân đều thể hiện diện tích sử dụng tính từ mép đường vào. Song, khi chi trả tiền đền bù, Ban ĐBGPMB lại áp dụng chừa lề một cách khó hiểu. Cùng một tuyến đường nhưng việc trừ lề lại không thống nhất, hộ 2 m, hộ 5,5 m, thậm chí có hộ tới 12 m. Có trường hợp 3 nhà liền kề nhưng nhà ở giữa bị trừ tới 12 m, còn hai nhà kia chỉ trừ 7 m.
Cũng ở phường 5, có trên 20 hộ không được đưa vào danh sách đền bù dù diện tích đất bị mất khá nhiều. Theo Ban ĐBGPMB, giấy phép xây nhà và sổ hồng chỉ thể hiện phần diện tích đất sử dụng từ chỉ giới xây dựng trở vào, còn từ chỉ giới này trở ra thì bị liệt vào phần lộ giới và không được đền bù. Bà Nguyễn Thị Nhi, ở phường 5, nhận xét: “Trong thực tế, Nhà nước chưa có quyết định thu hồi, người sử dụng vẫn phải nộp thuế hằng năm, theo luật thì họ phải được đền bù. Hơn nữa, Ban ĐBGPMB đã gửi giấy mời nhận tiền nhưng khi người dân đến thì họ lại bảo vướng lộ giới”.
Trong khi đó, quyết định của UBND tỉnh Long An về việc điều chỉnh, bổ sung chủ trương bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong dự án này đã nêu rõ: Hộ dân bị giải tỏa một phần, đất giải tỏa thuộc phạm vi lộ giới được hỗ trợ 50% giá trị bồi thường, đồng thời hỗ trợ 50% giá trị bồi thường đối với vật kiến trúc, cây trồng trong phạm vi lộ giới bị thiệt hại.
Áp dụng sai chủ trương
Theo ông Lê Văn Quốc, Trưởng Ban ĐBGPMB TP Tân An, việc vận động người dân đóng góp 50% tiền đền bù là thực hiện theo chủ trương của tỉnh. Trước đó, năm 2004, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định 883 cho phép vận động người dân cùng Nhà nước đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Vì vậy, UBND TP Tân An chủ trương vận động người dân trong dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đóng góp 50% tiền đền bù.
Tuy nhiên, Quyết định 883 chỉ áp dụng đối với những công trình giao thông do tỉnh và huyện - thị làm chủ đầu tư. Hơn nữa, tỉnh chỉ cho phép vận động người dân hiến đất làm đường chớ không hề quy định đóng góp 50% tiền đền bù. |
Bình luận (0)