xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ nét tài hoa

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nhà cổ, giả cổ mọc lên ngày càng nhiều ở TPHCM. Những người cất công săn tìm hay phục chế nhà cổ không chỉ vì mê giá trị thời gian của chúng mà còn muốn lưu giữ nét tài hoa, tinh tế, tỉ mẩn của cha ông

Đến nhiều khu vực ở TPHCM, nhất là vùng ngoại thành, nhiều người phải ngỡ ngàng trước những ngôi nhà cổ hội đủ sắc thái các vùng, miền VN. Bước vào một ngôi nhà cổ, sự ồn ào, náo nhiệt của phố xá và những bon chen, tất bật trong cuộc sống hằng ngày dường như đã lùi xa. Một không gian tĩnh lặng, bình yên, đôi khi rất dân dã, hiện ra thật dễ chịu.

img
Ông Nguyễn Thanh Tuấn bên một bộ phận của một ngôi nhà cổ được phục chế
 
Thú đam mê
 
Bà Trần Thy Bình (ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi -  TPHCM) có lẽ là một trong những người sở hữu nhiều nhà cổ nhất với hơn 90 nhà mang đủ sắc thái Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Bà Bình hào hứng kể lại những chuyến săn tìm nhà cổ trong hàng chục năm qua.
 
Mười tám năm trước, trong một chuyến công tác từ thiện ở vùng quê Quảng Nam, khi đến thăm một học sinh kém may mắn, bà Bình hết sức ngạc nhiên khi thấy người nhà dùng những thanh gỗ chạm trổ rất công phu để nhóm bếp. “Hỏi ra, tôi mới biết đây là những thanh gỗ mục của một ngôi nhà cổ. Tiếc quá, tôi lôi từ đống lửa ra những thanh gỗ đã cháy sém và dập tắt. Hình ảnh chạm khắc sống động, tinh tế trên các thanh gỗ làm tôi trăn trở mãi” – bà Bình nhớ lại. Cuối cùng, bà Bình thuyết phục chủ nhà bán lại ngôi nhà cổ đã hơn 100 tuổi để tháo dỡ mang về TP.
 
“Từ ngôi nhà ở Quảng Nam, tôi đâm ra đam mê sự tài hoa, tinh tế, tỉ mẩn của những người thợ ngày xưa và bắt đầu bỏ công  đi săn tìm những ngôi nhà cổ để lưu giữ nét văn hóa một thời của cha ông. Hơn 18 năm “đãi cát tìm vàng”, tôi đã tìm được nhiều ngôi nhà ưng ý” - bà Bình tiết lộ. Hơn 90 ngôi nhà cổ của bà Bình được phát hiện tại nhiều tỉnh, TP, như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, TPHCM... Về TP, chúng được đặt xen kẽ trong ngôi trường quốc tế mà bà Bình đang giảng dạy. “Thông qua những ngôi nhà cổ ấy, tôi muốn hướng dẫn học sinh trong và ngoài nước yêu quý giá trị văn hóa Việt hơn; đồng thời tạo môi trường học tập mộc mạc, yên bình” – bà Bình tâm sự.
 
Bà Bình dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà sàn Nam Bộ. “Dịp cuối tuần, tôi đều đến đây nghỉ ngơi, sinh hoạt sau những ngày làm việc mệt nhọc” – bà nói. Chúng tôi thích thú ngắm nhìn mái ngói đầy rêu xanh, những cột gỗ lim đen bóng, sàn gạch tàu mát rượi..., tất cả đều mang đậm nét thời gian. Trong nhà, bên cạnh bộ bàn ghế được khảm xà cừ tinh tế là bộ ván ngựa lên nước bóng lưỡng, sờ tay cứ thấy mát lạnh. Rất nhiều bài thơ, câu đối bằng chữ Hán khảm xà cừ lung linh treo trên cột, trên tường gợi nhớ một gia đình giàu sang, quyền quý thời xưa.
 
Bà Bình thong thả rót trà mời khách. Bình trà đặt trong quả dừa khô, mùi hương sen tỏa thơm ngào ngạt. “Ngôi nhà này có nguồn gốc tận Đồng Tháp. Mất hơn 3 năm săn lùng, tôi mới tìm được ngôi nhà sàn cổ Nam Bộ ưng ý thế này. Tôi phải thuê thợ ở Đồng Tháp tháo dỡ mang về TP và phục chế thêm dựa trên những thứ vốn có mới được như vậy” – bà Bình khoe.
img

Một ngôi nhà cổ do bà Trần Thy Bình ở Củ Chi - TPHCM sưu tầm. Ảnh: THUHỒNG

 
Góp nhặt tài hoa của người xưa
 
Ông Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ huyện Củ Chi - TPHCM) cũng đam mê nhà cổ không kém bà Bình. Ông là người nổi tiếng trong giới phục chế nhà cổ ở TPHCM. Năm 1999, ông Tuấn bắt đầu bắt tay phục chế nhà cổ. Thoạt tiên, ông nhận làm thử vài ngôi nhà bát giác cho người quen. “Máu mê ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ, thế là tôi quyết tâm theo nghề phục chế nhà cổ” - ông Tuấn bộc bạch.
 
Đến nay, ông Tuấn đã phục chế hơn 100 nhà cổ đủ các vùng, miền. Từ Nam chí Bắc, ở đâu nghe nói có nhà cổ đẹp là ông lặn lội đến xem. Nhiều thứ từ nhà cổ mà người ta bỏ đi hoặc bán với giá có thể chấp nhận được, như cột, kèo, ván ngựa..., ông Tuấn đều góp nhặt đem về.
 
Có một ngôi nhà cổ khiến ông Tuấn mê mẩn và đeo đuổi hơn 8 năm nay nhưng vẫn chưa mua được. “Đó là ngôi nhà trính Nam Bộ hơn 100 năm tuổi với những nét chạm trổ hết sức tinh xảo. Có lần, cụ chủ nhà cho biết gia đình có ý định bán ngôi nhà này với giá 10 lượng vàng. Khi tôi đến, trong gia tộc lại có người ngăn cản. Lần sau, gia đình cho biết sẽ bán với giá 20 lượng vàng nhưng rồi lần khân và đòi 30 lượng vàng mà vẫn không chịu bán. Tôi đã không biết bao nhiêu lần tới lui ngôi nhà này. Nếu chủ nhà còn có ý định bán, tôi sẽ tiếp tục đeo đuổi tới cùng” - ông Tuấn cho biết.
 
Hơn 10 năm tìm hiểu và chuyên phục chế nhà cổ, ông Tuấn giải thích rành rẽ: “Nhà trính Nam Bộ thường có 3 gian, 2 chái hoặc 5 gian, 3 chái, lợp ngói âm dương, sàn lót gạch tàu, toàn bộ khung nhà đều là gỗ tốt như lim, gõ mật, gõ đỏ, hương, căm xe... Trên xiên, trính, bao lam được chạm trổ tứ linh (long, lân, quy, phụng) hoặc tứ quý (mai, lan, cúc, trúc). Những vật dụng trong nhà như tủ thờ, bàn ghế, ván ngựa... cũng có những nét chạm trổ tinh tế, nào là sư tử bên quả địa cầu, rồng ngậm ngọc, cá chép hóa rồng, chim ngậm cá, hươu ngậm ngọc... Tất cả đều thể hiện mong muốn sung túc, ấm no, hạnh phúc của người xưa. Nhà rường Huế cũng có 3 gian, 2 chái hoặc 5 gian, 3 chái, lợp ngói vảy cá, sàn gạch tàu với số cột to và nhiều hơn nhà trính Nam Bộ. Trong nhà rường Huế, các nét chạm trổ trên xiên, kèo, trính... rất lả lướt, cầu kỳ. Riêng nhà cổ Bắc Bộ có hai loại chính là nhà đồng bằng và nhà sàn...”.
 
Đam mê nhà cổ và làm công việc phục chế nhà cổ cho những người cũng đam mê không kém mình, ông Tuấn khẳng định:  “Người ta mê nhà cổ không chỉ vì giá trị thời gian của chúng mà còn do yêu nét tinh tế, tỉ mỉ của người thợ tài hoa ngày xưa”. Theo ông Tuấn, hầu hết những người “chơi” nhà cổ đều rất khó tính. “Không thể làm một ngôi nhà cổ với những cây cột còn thơm mùi gỗ, bàn ghế lừng nước sơn, gạch bông mới tinh... Vì vậy, tôi và khách phải đến nhiều vùng quê để săn tìm. Mục đích cuối cùng trong công việc của tôi là mang đến cho khách hàng ngôi nhà do chính bàn tay những nghệ nhân xưa tạo nên với đầy đủ nét chạm trổ tinh tế, những cột, kèo... hằn dấu ấn thời gian” – ông Tuấn tiết lộ.
  
Chơi nhà cổ rất kỳ công, có lẽ do chúng hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Tất cả đều khó có thể quy ra giá trị vật chất bởi chúng còn mang giá trị tinh thần. Và với những người chuyên sưu tầm nhà cổ như bà Bình hay chuyên phục chế nhà cổ như ông Tuấn, sự đam mê dường như không có giới hạn. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, lưu giữ, phục chế những giá trị tinh thần mà cha ông để lại” - họ quả quyết.

 

Gợi nhớ vùng quê

 
Tiếp chúng tôi trong một ngôi nhà cổ ở phường Phước Long, quận 9 - TPHCM với rổ khoai luộc, bà Nguyễn Thị Lan - người lưu giữ gần 10 ngôi nhà cổ của các miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên - khẳng định: “Hương vị quê nhà đó”!
img
Bà Nguyễn Thị Lan trong ngôi nhà cổ của mình
 
Hằng ngày, sau khi tất bật với công việc buôn bán, vợ chồng bà Lan lại về ngôi nhà này nghỉ ngơi. Ngôi nhà sàn lợp lá, không máy lạnh, không tivi nhưng bốn bề lộng gió và hương vị sông nước, cây trái tràn đầy. Bà Lan nhớ lại: “Ngày xưa, gia đình tôi đã sống trong một ngôi nhà cổ ở vùng quê và cuộc sống trôi qua rất bình yên. Giờ ở trong ngôi nhà này, khi nhớ đến mái nhà xưa cùng kỷ niệm thời thơ ấu, bao nhiêu muộn phiền, mệt mỏi, lo toan đều tan biến. Vì vậy, chúng tôi lưu giữ cả những thứ lẽ ra đã bỏ đi, như bờ rào với gốc cây đã mục”.
 
Khi bà Trần Thy Bình tìm được một ngôi nhà Nam Bộ hơn 150 năm, bà đã tiếc nuối mãi vì không thể mang về TP cây vú sữa có dáng rất đẹp đã hơn 100 tuổi trồng trước nhà. “Chính cây vú sữa ấy tạo nên cái hồn của ngôi nhà, gợi nhớ hình ảnh của quê hương” – bà Bình nhận xét. Có lẽ vì vậy mà hàng chục năm qua, người phụ nữ này đã đi khắp các vùng, miền để tìm những ngôi nhà cổ hội đủ các yếu tố: đậm chất văn hóa Việt, có giá trị lịch sử, thể hiện bàn tay tài ba của nghệ nhân và gợi nhớ một vùng quê.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo