Trải qua 117 năm, kể từ khi Đà Lạt được phát hiện vào năm 1893, TP này là một trong những địa điểm du lịch nghỉ mát lý tưởng. Nếu như vào thời Pháp, Đà Lạt chủ yếu phục vụ giới quý tộc thì nay nó đã là của cộng đồng xã hội, bất kể người giàu hay nghèo đều được thụ hưởng.
Đà Lạt hấp dẫn nhờ cảnh quan thiên nhiên của một vùng cao nguyên, nơi có những cánh rừng thông tuyệt đẹp và nhiều đồi núi trập trùng. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ, nhiều khi buổi trưa cũng có sương mù đã tạo ra nét thi vị riêng. Đà Lạt hiện có khoảng 300.000 dân nhưng tới đây chắc chắn sẽ tăng lên trên 500.000, thậm chí cả triệu người.
Do đó, bài toán ứng xử như thế nào với thiên nhiên để bảo đảm dù phát triển và có những tác động nhưng Đà Lạt vẫn làm “vừa lòng du khách đến, vui lòng du khách đi” là một vấn đề cấp thiết. Điều quan trọng là phải giữ cho được thương hiệu du lịch đã có cả trăm năm của TP này.
Khác nào TPHCM!
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải giữ Đà Lạt bằng những giải pháp đi mạnh vào bản sắc về thời tiết, cảnh quan, môi trường... Rõ ràng hiện nay, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung, các hoạt động của con người ở Đà Lạt cũng tăng lên đáng kể và góp phần làm cho khí hậu thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Người ta sử dụng quá nhiều vật dụng phát sinh nhiệt, như: ô tô, máy điều hòa, bếp lò sử dụng củi - mà muốn có củi thì phải chặt thông!... Do vậy, điều cần làm ngay là không dùng củi đốt lò để hạn chế việc chặt thông, sử dụng ô tô điện thay vì xăng ở những nơi bằng phẳng. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức các tuyến du lịch tham quan hồ Xuân Hương bằng loại hình vận tải sạch.
Xe cộ, khói bụi, lồ lộ, trụi lủi..., trung tâm Đà Lạt giờ chẳng khác gì một quận nội thành ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG TƯỜNG |
Kế đến là tổ chức, quy hoạch, bố trí các cụm dân cư và lượng dân cư. Tôi còn nhớ có lần đã góp ý cho chiều hướng phát triển quy hoạch của Đà Lạt, rằng việc phân bổ các cụm dân cư phải trải đều trên diện rộng và thấp tầng, không đi theo hướng tập trung xây dựng một chỗ và cao tầng.
Các công trình, kiến trúc chỉ xây dựng trên các vùng đất trống, đồi trọc chứ không nhắm đến việc chặt phá rừng thông. Hệ thống giao thông nên lượn theo địa hình, không phân bổ theo dạng bàn cờ. Nhà ở phải thấp thoáng trong rừng thông để tạo cảnh quan đẹp, không thể lồ lộ, trụi lủi... Chẳng hạn những biệt thự mà người Pháp xây dựng trước đây, chúng đẹp là nhờ cảnh quan, do vậy nếu nhà nào bố trí quá lộ thì cần trồng thông để che bớt lại. Có như vậy các công trình nhà ở mới tạo được sức quyến rũ.
Về mặt kiến trúc, khu vực trung tâm Đà Lạt hiện nay chẳng khác gì khu quận 3 hay quận 4 ở TPHCM. Do đó, nên bố trí dân cư theo từng cụm nhỏ và có các hệ thống giao thông nối kết lẫn nhau.
Xanh hóa bê tông
Một điều cần thiết nữa là các cơ quan chức năng TP Đà Lạt nên kiểm tra diện tích đã láng xi măng ở trong từng mảnh đất của người dân lẫn các khu vực công cộng. Đối với nhà dân, chỉ cần làm sao để phần diện tích láng xi măng chỉ đủ cho xe chạy từ đường vào nhà; phần đất trống nên trồng cỏ cây, hoa lá chứ không nên bê tông hóa hết. Còn ở các khu vực trước nhà người dân, khu công cộng hoặc bất cứ công trình kiến trúc nào, nếu có thể phủ được mảng xanh thì nên thực hiện. Làm được vậy thì Đà Lạt sẽ khác ngay. |
Còn khu vực dọc bờ hồ Xuân Hương thì không nên có những kiến trúc theo kiểu các khối bê tông xám xịt, nặng nề mà cần chuyển sang âm dưới đất. Phần đất nào trên các công trình ngầm này trồng cỏ hoa hay trồng thông được thì cứ trồng. Không phải bất cứ công trình kiến trúc nào cũng phải vĩ đại, hoành tráng, đạt kỷ lục... thì mới được xem là đẹp, là hợp thời.
“Chết” cũng vì du lịch
Một vấn đề khác không kém phần quan trọng là muốn giữ được Đà Lạt thì phải có một chiến lược trồng, kiểm soát và khai thác thông hợp lý. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học cũng từng cảnh báo những rừng thông ở Đà Lạt đang bị lão hóa, nếu không có những giải pháp thích hợp thì cho dù có chặt hay không, chúng cũng sẽ lụi tàn trong một thời gian không xa.
Tôi đã từng tham gia một buổi hội thảo về thông của New Zealand. Ngài đại sứ nước này có nói đại ý rằng một đời người ở xứ họ có thể khai thác 3 lần đời của cây thông. Rõ ràng, họ có những giải pháp để vừa khai thác vừa trồng mới, rồi khai thác và lại trồng mới thông. Như vậy, quỹ rừng và đất được tận dụng tốt, môi trường thiên nhiên vẫn được bảo vệ.
Do vậy theo tôi, để giữ gìn các rừng thông ở Đà Lạt thì không nên theo kiểu “ôm” khư khư, không cho làm gì cả mà cốt lõi là những giải pháp xử lý hợp tình, hợp lý. Để có được những điều này, tôi nghĩ người dân Đà Lạt phải có nhận thức: Họ tồn tại là nhờ thiên nhiên, hưởng lợi từ giá trị thiên nhiên thì phải có trách nhiệm đóng góp phục hồi thiên nhiên và những rừng thông nói riêng. Bản thân chủ đầu tư các dự án cũng phải hiểu điều đó để cho chính quyền đỡ vất vả. Không lẽ chính quyền cứ lăm lăm theo dõi nhà đầu tư?
Người Đà Lạt cũng nên hiểu một điều: Họ sống bằng du lịch thì cũng có thể “chết” từ chính du lịch. Bởi, nếu cứ khai thác tận thu và “ăn” vào thiên nhiên thì du khách sau khi tới xứ này sẽ một đi không trở lại. Mỗi người dân tự ý thức và cùng chính quyền tham gia vào việc gìn giữ, phục hồi các giá trị của thiên nhiên thì Đà Lạt sẽ có những thay đổi và khi đó nhà đầu tư sẽ không có những ý nghĩ làm ảnh hưởng đến thiên nhiên.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải mạnh tay. Dự án nào có dấu hiệu đầu cơ để chuyển nhượng lại thì cần thu hồi ngay. Nên kiểm soát hồ sơ quy hoạch, kiểm tra dự án đầu tư và quá trình triển khai để chấn chỉnh và xử lý ngay nếu chủ dự án làm ảnh hưởng đến thiên nhiên. Đồng thời, đánh giá chính xác về các khu vực dân cư để có những chiến lược quy hoạch, đầu tư bài bản hơn, tốt hơn...
Bình luận (0)