Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội đã chính thức vào cuộc “thẳng tay” với nhà siêu mỏng, siêu méo ngay sau kỳ hứa tại kỳ họp HĐND Hà Nội lần thứ 22 mới diễn ra (giữa tháng 12-2010).
Nhà siêu mỏng trên đường Xã Đàn, quận Đống Đa- Hà Nội
1 m² xây... 3 lầu
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo có mặt ở hầu như tất cả các quận nội thành và một số huyện ngoại thành giáp ranh nội đô như Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm... Đáng tiếc là nhiều tuyến đường mới khánh thành và được xem thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới vẫn hiện hữu những ngôi nhà chỉ nhỏ như một tấm bảng thông báo công cộng, với diện tích chỉ 1-2 m². Chưa dừng lại, nhiều mảnh đất “tí hon” nằm trên các con phố thuộc loại đẹp nhất thủ đô còn được cất 3-4 lầu suốt nhiều năm qua. Quận Thanh Xuân đang “dẫn đầu” về số nhà siêu mỏng với 62 căn; kế đó là quận Ba Đình, với 44 căn. Đáng chú ý là các ngôi nhà kỳ dị này lại nằm trên hàng loạt tuyến đường đẹp nhất quận như Kim Mã, Liễu Giai, Văn Cao, Đào Tấn...
Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, ông Đặng Hồng Thái, cho biết chính quyền quận không cấp phép một nhà siêu mỏng nào nhưng trên thực tế, người dân vẫn lén lút xây dựng. Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Thái, là khi thu hồi đất làm đường đã không tính tới diện tích còn lại sau cắt xén nên quận, huyện xử lý rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý...
Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nguyên nhân tồn tại nhà siêu mỏng là do giá đất và giá trị kinh doanh của diện tích mặt tiền quá lớn nên người dân bất chấp quy định. Mặt khác, chính quyền chưa vào cuộc ngăn chặn kịp thời, chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Và hậu quả của việc lờn thuốc là hầu hết các trường hợp vi phạm đều đã bị đình chỉ thi công nhưng đến nay mới có 2 trường hợp bị cưỡng chế tháo dỡ.
Thu gom nhà siêu mỏng?
Trước sự phê phán gay gắt của nhiều đại biểu HĐND tại kỳ họp mới đây và bức xúc của người dân, đồng loạt nhiều quận, huyện kiến nghị TP cần thông qua chủ trương cho thu hồi các diện tích đất, nhà có kích thước hình học không phù hợp nhằm xử lý dứt điểm được nạn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện cũng đặt ra những khó khăn khi thực hiện chính sách mạnh dạn này.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, ông Nguyễn Thế Công đề xuất: Để giải pháp này hiệu quả, TP phải có cơ sở pháp lý, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Nếu thu hồi nhà siêu mỏng chỉ vài mét vuông thì TP sẽ bồi thường như thế nào để chủ nhân có thể có nhà tái định cư. Cùng băn khoăn này, đại diện nhiều quận, huyện đề xuất: vì phần lớn nhà siêu mỏng, siêu méo được thu hồi là diện tích rất nhỏ nên làm ki-ốt bán hàng hay vườn hoa, tiểu cảnh đều không khả thi. Còn việc tổ chức đấu giá hay bán diện tích đất này cho hộ phía sau cũng rất nan giải vì có thể nảy sinh khiếu nại, tiêu cực. Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Nguyễn Kim Vinh than thở: “Bó tay với nhà “tí hon” vì không biết sử dụng vào việc gì. TP hô hào sử dụng theo quy hoạch nhưng cái khó là chưa có tuyến phố nào làm được quy hoạch hai bên tuyến đường nên nhà siêu mỏng vẫn còn”.
Khó nhưng vẫn quyết làm
Quyết tâm chấm dứt nạn nhà siêu mỏng, siêu méo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã giao các quận, huyện nhanh chóng rà soát, thống kê, đánh giá tồn tại liên quan đến vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, bao gồm cả công trình lẫn quỹ đất có diện tích không đủ điều kiện xây dựng. Để ngăn chặn nhà kỳ dị tại các dự án mới, ông Bình nêu rõ: TP sẽ chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, thu hồi luôn diện tích đất còn lại có diện tích nhỏ không đủ điều kiện xây dựng. Tuy nhiên, trách nhiệm giải phóng mặt bằng là của địa phương, do vậy, quận, huyện phải tham gia kiểm đếm, báo cáo TP nếu chủ đầu tư không thực hiện triệt để.
Ông Bình cũng yêu cầu Sở Xây dựng dự thảo văn bản chỉ đạo giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trình UBND TP ban hành trước ngày 10-1-2011. Đồng thời, giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội sớm hoàn thành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến phố trướcngày 30-1-2011. Ông Bình nhấn mạnh: “Xóa nhà siêu mỏng, siêu méo là việc rất khó nhưng TP sẽ quyết liệt làm bằng được”.
B.Trân |
Bình luận (0)