* Phóng viên: Thưa ông, đốt hầm đầu tiên của hạng mục hầm dìm vượt sông Sài Gòn đã được lắp đặt dưới đáy sông Sài Gòn an toàn. Tuy nhiên người dân rất quan tâm tới việc xử lý các vết nứt trên đốt hầm có đạt chất lượng hay không?
- Ông Lê Quang Hùng: Vào tháng 5 và tháng 6-2008, trong quá trình đúc 4 đốt hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện các vết nứt trên bề mặt. Sự cố này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước theo dõi sát tình hình cũng như các phương án, biện pháp khắc phục sự cố.
Sau đó Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu đã trải qua nhiều bước từ đánh giá hiện trạng để đi đến quyết định khắc phục các vết nứt bằng cách hàn keo, gia cường bản nóc, chống thấm toàn bộ bề mặt bên ngoài... Trong quá trình thực hiện đều có sự giám sát, kiểm tra gắt gao của đơn vị tư vấn độc lập.
Sau khi khắc phục xong, đến đầu tháng 2-2010, nhà thầu đã cho tiến hành bơm nước vào đốt hầm để kiểm tra. Kết quả về cơ bản là tốt, khuyết tật đốt hầm sau khi sửa chữa không có biến dạng trở lại. Khi đó mới tiến hành lai dắt đốt hầm từ bãi đúc ở Đồng Nai về để lắp đặt.
* Các vết nứt dù đã được khắc phục nhưng liệu nó có ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình?
- Tuổi thọ khai thác công trình vẫn bảo đảm 100 năm. Trong quá trình vận hành còn có những đợt duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng. Tuổi thọ của công trình chủ yếu phụ thuộc vào cốt thép của đốt hầm. Việc hàn gắn các vết nứt duy trì được sự an toàn của cốt thép.
* Đối với loại hầm đường bộ xuyên lòng sông được xây dựng ở các nước khác, có từng xảy ra vết nứt đốt hầm không, thưa ông?
- Khi thực hiện sửa chữa vết nứt trên các đốt hầm, chủ đầu tư công trình đã thuê đơn vị tư vấn độc lập của Úc tiến hành tư vấn giám sát. Đơn vị tư vấn này có đưa ra ví dụ về trường hợp hầm đường bộ dưới nước tại Sydney (Úc) cũng từng xảy ra vết nứt tương tự ở các đốt hầm nhưng đã được sửa chữa, khắc phục và đưa vào sử dụng, đến nay vẫn bảo đảm an toàn.
Thực tế vết nứt ở đốt hầm Thủ Thiêm có tần suất nhiều hơn nhưng đã được sửa chữa tốt nên độ an toàn được bảo đảm.
Quan điểm xuyên suốt đối với sự an toàn của công trình là phải bảo đảm 3 yếu tố: an toàn chịu lực, an toàn trong vận hành và tuổi thọ lâu dài dù có vết nứt hay không.
Ngoài ra, về địa chất, thủy văn ở khu vực hầm Thủ Thiêm cũng không có gì lo ngại bởi khi thiết kế đã tính đến.
* Thưa ông, hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) xảy ra vết nứt và chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu kéo dài thời gian bảo hành thêm một năm. Vậy hầm Thủ Thiêm có kéo dài thời gian bảo hành không?
- Đối với hầm Thủ Thiêm, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã nghiên cứu và yêu cầu tăng thời gian quan trắc từ quá trình sửa chữa, thi công... Riêng việc kéo dài thêm thời gian bảo hành còn phụ thuộc hợp đồng.
* Sau khi lắp đặt xong các đốt hầm và đưa vào vận hành, liệu VN có đủ năng lực quản lý, vận hành hầm đường bộ loại này không?
- VN sẽ quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống giao thông này nhưng sẽ trải qua giai đoạn chuyển giao từ phía nhà thầu. Hầm đường bộ Hải Vân (nối Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế) dài 6 km vẫn do VN quản lý vận hành tốt, trong khi hầm Thủ Thiêm phần ngầm dưới đất chỉ có khoảng 600 m sẽ không là vấn đề gì lớn.
* Hầm đường bộ Kim Liên so với Thủ Thiêm quá chênh lệch về quy mô nhưng đã phát sinh nhiều sự cố mà mới đây là tình trạng trơn, trượt mô tô. Vậy hầm Thủ Thiêm có tính đến các tình huống phát sinh tương tự?
- Các vấn đề như thoát nước, độ nhám, tiếng ồn, ánh sáng, đèn tín hiệu... đã được tính toán kỹ lưỡng khi thiết kế công trình. Nhưng hiện công trình chưa đưa vào vận hành nên chưa thể khẳng định chắc chắn có phát sinh những vấn đề nhỏ không.
* Theo ông, sau công trình này, nhà thầu phụ VN có thể độc lập thi công các công trình tương tự?
- Quá trình lai dắt, dìm và hàn gắn các đốt hầm do nhà thầu chính trực tiếp thực hiện mà không thuê lại nhà thầu phụ VN làm dứt điểm một công đoạn nào. Tuy nhiên, qua đây, các nhà thầu phụ VN đã tiếp cận và nắm bắt được phần nào công nghệ và có thể làm chủ các công trình quy mô nhỏ hơn trong thời gian tới đây.
Cuối năm 2011, hầm Thủ Thiêm được đưa vào sử dụng N.Minh |
Bình luận (0)