“Hoành tráng, hiện đại!” là cảm xúc của các thành viên trong đoàn công tác của Thành ủy TPHCM khi đi thị sát và nghe Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây giới thiệu về dự án trong ngày 10-9 sau khi tuyến đường được thông xe một phần. Đại lộ Đông Tây vốn được xem là “dự án đinh” của TPHCM cả về vốn xây dựng và tầm quan trọng của nó khi đưa vào sử dụng.
Ông Võ Ngọc Sỹ, Phó Giám đốc phân ban Đông Tây gói thầu số 1, cho biết đại lộ Đông Tây được thiết kế ưu tiên cho xe đi thẳng và rẽ phải, hướng rẽ trái là những nút giao khác mức, vì thế tránh được ùn tắc giao thông do giao cắt đồng mức, tránh được khiếm khuyết phổ biến của hệ thống đường sá ở TP hiện nay.
Nhiều đại biểu nhẩm tính: Đi từ quận 1 về huyện Bình Chánh chỉ mất hơn 20 phút, cứ bon bon mà chạy, không phải chen chúc trong những con đường mới nghe tên đã “nổi da gà” vì kẹt xe – ngập nước triền miên như Ba Tháng Hai, Hồng Bàng, Kinh Dương Vương...
“Hằng ngày đến cơ quan ở quận 3, nếu đi làm theo hướng đại lộ Đông Tây sẽ tiết kiệm được 0,5 lít xăng, mỗi tháng tiết kiệm được 200.000 đồng tiền nhiên liệu”- một thành viên trong đoàn có nhà ở huyện Bình Chánh nói.
Cửa hầm ...
“Thiếu mảng xanh trên toàn tuyến đường” là băn khoăn của nhiều đại biểu. Tuy nhiên, ông Sỹ cho biết hiện tại mảng xanh chưa hoàn chỉnh, đến cuối năm nay bảo đảm sẽ xanh – sạch – đẹp, đặc biệt là ven kênh Tàu Hũ. Và cũng đến cuối năm nay, toàn bộ dây điện, dây điện thoại sẽ được ngầm hóa hoàn tất. Trên toàn tuyến đại lộ Đông Tây đã được thông xe sẽ không còn cột điện nào mà chỉ có trụ đèn chiếu sáng công cộng.
Đến bãi đúc hầm Thủ Thiêm, nhiều đại biểu đã choáng ngợp trước 4 đốt hầm “quá hoành tráng”: Mỗi đốt dài 93 m, rộng 33 m, cao 9 m, nặng 25.000 tấn, bản nóc dày hơn 1 m, tường dày 80 cm, tổng chiều dài 1.490 m, trong đó đoạn hầm dìm dưới sông dài 371 m, có 6 làn xe. Đại diện nhà thầu Obayashi thông báo: “Hiện tại, chúng tôi đã khắc phục xong vết nứt ở tường hai bên, sắp tới sẽ khắc phục vết nứt ở bản nóc hầm của 4 đốt hầm”.
...và bên trong phần hầm hở của hầm Thủ Thiêm phía quận 1 đang được gấp rút thi công
Chạy dài theo lòng đốt hầm là bồn cân bằng nước tạo trọng lượng đã được lắp đặt chuẩn bị cho công tác dìm hầm. Lúc thực hiện công tác lai dắt đốt hầm về sông Sài Gòn, nước sẽ được bơm (khoảng 400 m3 nước) vào bồn này làm cho đốt hầm nổi lên như một cái phao, sau đó dùng ca nô chuyên dụng kéo đốt hầm đi. Mỗi đốt cần 1 tháng để lai dắt và đánh chìm xuống lòng sông.
Đốt hầm thứ 1 được gắn ở đầu quận 2. Theo nhà thầu Obayashi, tháng 2-2010 mới bắt đầu kéo và đánh chìm đốt hầm thứ 1, đến tháng 6-2010 hoàn tất. “Dù làm hầm dìm tốn kinh phí gấp 3-4 lần làm cầu nhưng bảo đảm về mặt mỹ quan, vả lại VN cũng có điều kiện tiếp cận thêm công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng. Điều đó giải thích lý do tại sao hầm dìm Thủ Thiêm được chọn làm điểm nhấn cho dự án đại lộ Đông Tây”- đại diện nhà thầu giải thích.
Không khí làm việc trên công trường những ngày qua rất khẩn trương, hối hả, bởi theo tiến độ đề ra, toàn tuyến đại lộ Đông Tây sẽ thông suốt, kể cả hầm dìm vào quý I/2011. Khi đó, người dân có thể đi một mạch từ huyện Bình Chánh ra xa lộ Hà Nội, quận 2.
Dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè Đã giải ngân được 74% vốn đầu tư
M.Nhật |
Bình luận (0)