Khoảng 12 giờ ngày 12-10, xe container biển số 57M-2542 chở 20 tấn hóa chất của Công ty Hải Trường Thành (trụ sở quận Bình Thạnh-TPHCM) lưu thông trên đường Kha Vạn Cân (phường Linh Trung, quận Thủ Đức-TPHCM) hướng từ chợ Thủ Đức về cầu vượt Linh Xuân đã bị sụp “hố tử thần” tại giao lộ Kha Vạn Cân - Hoàng Diệu.
Bị “hố tử thần” nuốt chửng 4 bánh xe nên xe container lật ngang đường, đè lên chiếc xe hơi Lexus đang lưu thông chiều ngược lại. Rất may trong lúc xảy ra sự cố, không có người điều khiển xe máy ngang qua.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, giữa mặt đường Kha Vạn Cân một hố sâu hoắm rộng khoảng 2 m, “ôm” trọn 4 bánh của xe container. Xung quanh “hố tử thần”, mặt đường có dấu hiệu tiếp tục bị rạn nứt. Theo ghi nhận ban đầu, “hố tử thần” xuất hiện trên đường Kha Vạn Cân là do sụp ống cấp nước do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý.
Sau hàng loạt vụ việc mặt đường tự dưng sụp xuống tạo thành hố to giữa đường, gây nguy hiểm cho người đi đường, đến nay trách nhiệm được các đơn vị quy lỗi hoàn toàn cho nhà thầu.
Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Đình Hoàng, Đoàn Luật sư TPHCM, không thể nói cơ quan quản lý giao thông đường bộ - nơi xảy ra sự cố - hoàn toàn vô can và trút hết trách nhiệm lên nhà thầu.
Bốn bánh xe container lọt thỏm xuống “hố tử thần” trên đường Kha Vạn Cân trưa 12-10. Ảnh: PHẠM DŨNG
Cho dù trong hợp đồng thi công, nhà thầu đã mua bảo hiểm thì Luật Giao thông Đường bộ cũng đã quy định: Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ.
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do việc thi công đào đường và tái lập mặt đường cẩu thả phải xem là một vấn đề nghiêm trọng cần quyết liệt giải quyết dứt điểm để tránh việc tiếp diễn trong tương lai.
Muốn như thế, những người lãnh đạo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải là người tiên phong đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết chứ không phải đùn đẩy trách nhiệm sang cho nhà thầu, người thi công.
Làm như thế là vô cảm trước mất mát thiệt hại của người dân và thiếu tinh thần trách nhiệm trong điều hành xử lý công việc mà Nhà nước tin tưởng giao phó.
Nếu người tham gia giao thông đã tuân thủ nghiêm chỉnh Luật Giao thông Đường bộ, việc bị tai nạn như trong những trường hợp sụp “hố tử thần” đã xảy ra, cơ quan quản lý giao thông phải là người đứng ra chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật, chứ không phải đá “trái bóng” trách nhiệm sang người khác.
Bình luận (0)