xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kẻ cười, người khóc

QUÝ HIỀN - THU SƯƠNG

Nhà đầu hẻm nâng nền, nhà cuối hẻm trở thành ao chứa nước. Hẻm này được nâng, hẻm kế bên lại ngập

Không cần biết nâng hẻm, nâng nhà xong có hết ngập hay không, người dân nhiều khu vực ở TPHCM vẫn cứ thi nhau “trèo” cao. Cách làm tùy tiện của người dân cùng sự bỏ ngỏ quản lý của chính quyền địa phương tạo nên tình trạng “kẻ cười, người khóc”.


Cao thấp tùy hứng


Người dân tổ 1, khu phố 1, phường 7, quận 3 - TPHCM, tỏ ra bức xúc vì tự dưng hẻm biến thành sông sau mỗi cơn mưa khi đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nâng cao 2 m so với trước. Cách đây 3 tháng, phường 7 đã nâng hẻm 305 và 331 cao thêm 40 cm.

Ông Phan Vĩnh Căn (ngụ số 305/4 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) kể: “Ban đầu, phường nói nâng cao 60 đến 70 cm gì đó nhưng sau đó, sợ nâng cao nhà dân sẽ ngập nên rút lại còn... 40 cm”. Kết quả, hẻm bớt ngập và một số hộ nâng nhà theo hẻm có phần yên tâm, trong khi những hộ dân còn lại đang lo canh cánh vì hiện nền nhà của họ trở thành cái ao thu nước do thấp hơn hẻm.

Chị Trần Thị Tuyết (ngụ số 331/21, tổ 1) than trời: “Đâu phải nâng hẻm là xong chuyện vì nước chảy ngược vào nhà dân cũng như không!”. Nhiều hộ dân ở đây dẫn chúng tôi vào nhà xem nền nhà trũng như cái ao vì thấp hơn mặt hẻm gần 1 m.

Khi mưa xuống, không chỉ nước tràn vào nhà mà nước thải bên dưới tự ngấm qua lớp gạch vào trong. “Hiện người dân mong muốn hệ thống thoát nước hai bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa phải kết nối với các tuyến hẻm để giải quyết thoát nước, nếu không việc nâng hẻm cũng bằng không!”-một người dân đề xuất.


Nâng nơi này, ngập nơi khác


Hơn 50 hộ dân ở tổ 10 và 10A, khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7-TPHCM đang hồi hộp chờ xem công trình nâng hẻm ngốn hơn 100 triệu đồng có hiệu quả hay không bởi theo dự báo mực triều cường năm nay tiếp tục phá kỷ lục “lịch sử” so với năm ngoái.

Kể lại công trình làm “nước rút” này, bà Nguyễn Thị Văn, tổ trưởng tổ 10 A, nói: “Gần ngày Tết năm rồi, thấy triều cường lên cao nên bà con bàn nhau góp tiền nâng hẻm, nếu không 30 tết lội nước bì bõm trong nhà thì gay”. Cuộc vận động diễn ra nhanh chóng trong vòng 10 ngày với số tiền góp được 100 triệu đồng.

img
Từ khi hẻm 331 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3 được nâng cao, nhà chị Trần Thị Tuyết bị ngập nặng. Do thiếu tiền nên chị Tuyết chỉ có thể nâng phòng khách lên 0,5 m, còn bên trong vẫn thấp. Ảnh: Q.HIỀN


Thế là công trình được khởi công và đơn vị thi công kiểu “cây nhà lá vườn”. Theo ông Lê Duy Hoàng (ngụ 88/90/06 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận), đợt triều vừa rồi hẻm bớt ngập nhưng nước cống lại xì qua hố ga làm ngập nhà bếp.

Ngoài ra, do không nâng nền nhà nên hiện tại nhà ông Hoàng thấp hơn hẻm 40 cm và nguy cơ nước tràn vào nhà là điều có thể xảy ra. “Chúng tôi chưa “thoát” đâu cô. Muốn hay không phải chờ thêm 1, 2 con triều nữa!” - ông Hoàng không mấy tin tưởng. Chúng tôi đặt câu hỏi: Lúc nâng hẻm có được địa phương mời đơn vị xây dựng nào tư vấn về độ cao của hẻm không?

Bà Văn lắc đầu: “Chúng tôi tự nâng cao hơn mực nước để không còn ngập chứ hơi đâu mà báo phường cho rắc rối. Mà có báo thì phường cũng lắc đầu với lý do kinh phí eo hẹp!?”


Trong khi người dân hai tổ 10 và 10A tạm “cười nụ” thì hàng trăm hộ dân thuộc các tổ 7, 8, 9... khu phố 1 nằm ở đoạn đầu hẻm 88 Nguyễn Văn Quỳ lại “khóc thầm” vì toàn bộ nước mưa cứ thế đổ về do đoạn cuối hẻm nâng cao hơn đầu hẻm... 0,5 m. “Mỗi khi triều lên, nơi đây biến thành ao vì có bao nhiêu nước thải đều dồn về đây. Có lúc nước ngập quá gối”- anh Võ Văn Liền (ngụ số 88/77 Nguyễn Văn Quỳ) bức xúc.

Ngoài ra, kể từ khi công trình cầu Phú Mỹ triển khai, mặt đường Nguyễn Văn Quỳ nâng cao, làm hẻm 88 thấp so với mặt đường 1,5 m. Do đó, đoạn đầu hẻm 88 trở thành ao do nằm kẹp giữa đường Nguyễn Văn Quỳ và phần hẻm đã nâng.

Ông Huỳnh Văn Mạnh, tổ trưởng khu phố 1, phường Phú Thuận, xác nhận: Để cứu hàng trăm hộ dân “mắc kẹt” trước đợt triều lớn vào cuối năm, ban điều hành khu phố đã huy động dân góp hơn 100 triệu đồng để chuẩn bị nâng hẻm cao thêm 0,5 m. Tuy nhiên, ông Mạnh vẫn bi quan: “Nếu nâng cao hơn nữa thì thiếu tiền, nhà nào thấp coi như lãnh đủ. Và dù có nâng cao hơn nữa bảo đảm 3 năm sau cũng sẽ tiếp tục ngập!”.

Đủ cách đối phó

Mệt mỏi bởi “nâng hoài nâng mãi” vẫn không hết ngập, một số hộ dân hai bên đường Trần Bá Giao (phường 5, quận Gò Vấp - TPHCM) nghĩ ra cách xây gờ thật cao trước nhà để ngăn không cho nước tràn vào.

Chị Vũ Thúy Hằng (ngụ số 432A Trần Bá Giao) than phiền: “Nếu nâng nền nữa thì chỉ còn cách tháo nhà ra xây lại trong khi điều kiện kinh tế không cho phép.

Vậy là tôi xây trước nhà một cái gờ, sau một cái để ngăn nước tràn vào, nhưng nước cũng leo qua. Cái gờ cũng đã được nâng lên đến lần thứ ba thì hết nâng nổi vì không bước qua được”. Hiện nhà chị Hằng chỉ còn mỗi cách dùng máy bơm hút nước ra ngoài.

 
Kỳ tới: Thả nổi quản lý

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo