Sáng 14-6, hàng ngàn người dân bị “chôn chân” suốt 4 giờ liền tại “nút thắt” cầu Bình Triệu 2 do cầu Bình Triệu 1 (cầu Bình Triệu cũ) bị đóng lại để sửa chữa.
Giao thông hỗn loạn, kẹt cứng dưới chân cầu Bình Triệu 2
Giao thông hỗn loạn
Từ sáng 14-6, Sở GTVT TPHCM cấm tất cả mọi phương tiện lưu thông qua cầu Bình Triệu 1 nhằm mục đích sửa chữa cây cầu già yếu này. Dòng người hướng từ quận Bình Thạnh về quận Thủ Đức không còn đi qua cầu Bình Triệu 1 mà đổ dồn qua cầu Bình Triệu 2. Lúc này, cầu Bình Triệu 2 vừa phải gánh lượng người từ trung tâm TP đi ra và cả dòng xe từ Quốc lộ 13, đường Kha Vạn Cân đổ vào.
Do đó, từ 6 giờ, cây cầu này đã hoàn toàn tê liệt với lượng người ùn ùn đổ về. Người dân quay xe tìm đường thoát điểm kẹt xe, làm giao thông hỗn loạn, đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư Bình Triệu hoàn toàn mất tác dụng.
Do phản ứng dây chuyền, đường Kha Vạn Cân cũng kẹt cứng. Ở Quốc lộ 13, dòng ô tô, xe buýt “chết cứng” nối đuôi nhau kéo dài gần 4 km đến tận ngã tư Bình Phước. Nhiều người dân sau một hồi bấm còi inh ỏi đã mất hết kiên nhẫn bèn cho xe vào lề đường đứng chờ.
Một bộ phận người dân len lỏi đi qua hướng cầu Bình Lợi để mong thoát khỏi cảnh ùn tắc nhưng do lượng phương tiện quá đông nên hướng này cũng tắc nghẽn. Lực lượng CSGT cũng bất lực trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông vì không thể làm gì được trước lượng xe quá lớn. Đến hơn 10 giờ, giao thông khu vực trên mới dãn dần.
Đóng cầu do thay đổi phương án sửa chữa
Theo Sở GTVT, khi mở rộng gia cường cầu Bình Triệu 1 vào tháng 5-2009, Công ty Freyssinet Việt Nam đã hứa vừa thi công vừa bảo đảm cho các phương tiện giao thông qua cầu bình thường, tuy nhiên đến ngày 14-6 lại thông báo đóng cầu Bình Triệu 1. Giải thích về chuyện này, ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc đầu tư kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (chủ đầu tư dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2), nói: “Sau khi xảy ra sự cố gối cầu ở vị trí nhịp giữa cầu Bình Triệu bị rơi ra vào tháng 12-2009, chúng tôi đã phải thay thế phương án thi công.
Nếu để nhịp giữa bằng vỉ thép thì sau này có thể xảy ra rủi ro tương tự nên phải tháo vỉ thép ra, dùng bê tông để nối liền cầu. Đó là lý do phải đóng cầu Bình Triệu cũ lại để thi công”. Theo ông Châu, sau khi gia cường và nâng cấp, cầu Bình Triệu 1 sẽ có tải trọng trên 30 tấn (tải trọng hiện tại 16 tấn). Chiều rộng mặt cầu sau khi mở rộng sẽ là 12,56 m, gồm 2 làn ô tô, một làn xe hai bánh và lề bộ hành.
việc cấm lưu thông qua cầu Bình Triệu 1 sẽ kéo dài đến ngày 29-6. Trong thời gian này, các phương tiện sẽ di chuyển ra vào Quốc lộ 13 bằng cầu Bình Triệu 2. Theo cảnh báo của Sở GTVT, trong những ngày tới, lưu lượng xe cộ qua khu vực cầu Bình Triệu vẫn rất đông, cầu lại hẹp, người dân nên lựa chọn hướng đi thích hợp.
Bình luận (0)