Theo kết quả kiểm kê sơ bộ của Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM, TP hiện có 521.200 m² đất được các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH) đem cho thuê lại để hưởng một khoản chênh lệch không nhỏ khi được Nhà nước cho thuê với giá còn nặng tính bao cấp.
Cụ thể, hiện giá cho thuê đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP bằng 2% khung giá quy định/tháng. Trong khi, mức giá quy định của Nhà nước công bố hằng năm chỉ bằng từ 30% đến 40% giá thị trường... Chính vì thế nhiều DN sẵn sàng “ôm” đất cho thuê lại.
712 m² tại mặt bằng 72 Trương Quốc Dung được Công ty Cổ phần May da
Sài Gòn cho thuê với giá 21 triệu đồng/tháng. Ảnh: T.THẠNH
Cho thuê lại để "ăn" chênh lệch
Báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, Tổng Công ty Dệt may Gia Định (đơn vị quản lý Công ty Cổ phần May da Sài Gòn) cho rằng đơn vị đã bị Trường THPT Dân lập Hồng Hà (Trường Hồng Hà) “giựt” mất mặt bằng có diện tích 712 m² tại số 32/2 (số mới 72) Trương Quốc Dung, quận Phú Nhuận.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tháng 8-2003, UBND TPHCM ra quyết định giao 6 cơ sở nhà đất với diện tích 17.432 m² cho Công ty May da Sài Gòn (nay là Công ty Cổ phần May da Sài Gòn) để CPH. Đến tháng 8-2004, đơn vị này đã đem mặt bằng số 32/2 Trương Quốc Dung cho Trường Hồng Hà thuê với giá từ 21 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng.
Điều đáng nói, hiện nay, nếu tính theo giá thị trường, mặt bằng này “bèo” lắm cũng phải 3.000 lượng vàng SJC, thế nhưng Công ty Cổ phần May da Sài Gòn lại cho thuê với giá rẻ mạt và vụ việc sẽ không bị phát hiện nếu không có sự tranh chấp và kéo nhau ra tòa để giải quyết giữa hai bên.
Chưa hết, theo bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường Hồng Hà: “Khi việc cho thuê công sản bị phát giác, để đối phó, đơn vị trên đã đề nghị Trường Hồng Hà đổi hợp đồng cho thuê mặt bằng thành hợp đồng hợp tác...(!?)”.
Trước sự việc trên, trong văn bản báo cáo TP mới đây, Sở TN-MT nêu rõ quan điểm: “Từ khi CPH đến nay, Công ty Cổ phần May da Sài Gòn đã không đưa vào sử dụng mặt bằng 32/2 Trương Quốc Dung mà cho Trường Hồng Hà thuê. Điều này thể hiện công ty không có nhu cầu sử dụng đất để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT, Nhà nước thực hiện thu hồi (có bồi thường giá trị tài sản trên đất) để cho thuê hoặc giao cho người có nhu cầu...”.
Ngoài mặt bằng trên, Công ty Cổ phần May da Sài Gòn còn chưa trung thực khi không báo cáo rõ về mặt bằng 284/1A Lê Văn Sỹ, quận 3 với diện tích khuôn viên đất lên đến 704 m2 hiện đang cho thuê làm tụ điểm karaoke Nice.
15 năm chưa xây dựng xong công trình
Không chỉ cho thuê lại để hưởng chênh lệch, dù không có nhu cầu sử dụng hoặc diện tích đất được giao vượt nhu cầu, nhiều DN CPH sẵn sàng ôm đất để... bỏ hoang, làm ngân sách thất thu lớn. Cụ thể, tòa nhà 1 trệt, 5 tầng (số 86 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) nằm ngay trung tâm TPHCM được xây dựng dở dang... nhiều năm, giờ đang nằm trơ những trụ sắt.
Tòa nhà này được xây dựng trong khuôn viên hơn 3.200 m² với chiều dài mặt tiền đường ước tính gần 40 m. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình này thuộc Xí nghiệp May Sài Gòn 3 quản lý từ năm 1986, đến năm 2001, đơn vị này chuyển thành Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3, được UBND TPHCM giao khu đất này để sử dụng làm văn phòng giao dịch.
Tuy nhiên, do bị bỏ trống nên năm 2002, UBND TP ra quyết định thu hồi để xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ - cao ốc văn phòng. Mới đây nhất, vào tháng 10-2007, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chậm nhất đến tháng 12-2007 phải hoàn tất thủ tục pháp lý của dự án để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư trung tâm thương mại - dịch vụ - cao ốc văn phòng. Song đến nay, công trình này vẫn phơi nắng, phơi mưa...
Một công trình khác không kém phần lãng phí là dự án xây dựng cao ốc, khách sạn của Công ty Cổ phần Khách sạn hàng không VN. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, nằm ngay góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 (địa chỉ cũ là 27B Nguyễn Đình Chiểu) do Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) quản lý.
Sau hơn 15 năm, công trình vẫn chưa thành hình. Được biết, đầu năm 1994, Vietnam Airlines đã liên kết với một công ty nước ngoài để triển khai xây dựng tại khu đất “vàng” này một khách sạn 4 sao. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, công ty nước ngoài này mất khả năng tài chính, Vietnam Airlines không thể kham nổi công trình sau khi đã xây dựng được... 1 trệt, 4 tầng. Công trình này bỏ hoang từ đó đến nay (?).
Ngoài ra, rất nhiều khu đất khác hiện vẫn bỏ trống nhưng “chiêu” mà các đơn vị đưa ra là đang chờ duyệt thủ tục đầu tư dự án. Theo thống kê từ Sở TN-MT, TPHCM hiện có 348 khu đất để hoang với diện tích lên đến 11,7 triệu m², trong đó khá nhiều đất công được giao cho các đơn vị CPH.
Cần chuyển sang một giá
T.Nguyễn |
Kỳ tới: Thất thoát tiền tỉ, người lao động thiệt thòi
Bình luận (0)