xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng tỉ phú

Thế Dũng

Từ nghề dệt truyền thống, người làng Mẹo ở Thái Bình đã biến vùng quê vốn thiếu thốn đất canh tác trở thành nơi của những tỉ phú

Vừa đặt chân đến đầu làng Mẹo, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà - Thái Bình, tôi đã ngỡ ngàng bởi tiếng thoi đưa máy dệt rộn ràng.
 
Mời tôi chén trà Thái Nguyên đậm đà, ông Đinh Văn Khắc thong thả bắt chuyện: “Người làng Mẹo giỏi làm nghề, giỏi đi buôn cũng có phần từ cái khó phải ló cái khôn. Từ bao đời nay, người làng Mẹo có rất ít ruộng đất nên phải luôn làm nghề phụ và nghề ấy trở thành nguồn thu nhập chính.
 
Dệt vải trở thành nghề làm giàu của người làng Mẹo hàng trăm năm qua dù chúng tôi chẳng có tấc đất trồng dâu”. Rồi ông tự hào: “Thời nào cũng vậy, dân làng Mẹo chưa từng bị đói mà chỉ có giàu hay không thôi”! Tôi chợt nhớ lại câu mà người dân Thái Bình thường nói: “Người làng Mẹo quẳng đâu cũng không chết”.
 
img
 
Đường làng Mẹo như phố. Ảnh: THẾ DŨNG

Ông Khắc nhớ lại thời điểm đổi mới sau năm 1986, làng Mẹo đã hình thành ngay các tổ hợp sản xuất với ngành dệt là mũi nhọn và đến nay đã trở thành cả “khu công nghiệp” dệt.
 
Tôi từng được nghe người làng Mẹo không chỉ khéo léo trong việc tạo ra sản phẩm mà còn đáng nể ở khâu bán hàng, chào hàng. Tất tật sản phẩm làm ra đều một tay người làng Mẹo mang đi chào bán khắp nơi, kể cả nước ngoài. Người làng Mẹo ai cũng thuộc nằm lòng câu ca:
 
Hỡi cô thắt dải lưng xanh,

Có về làng Mẹo với anh thì về.

Làng Mẹo buôn bán trăm nghề,

Sáng đi bán lụa, tối về buôn tơ.
 
Phần đông người làng Mẹo đều tin rằng ngôi làng của mình chí ít cũng 700-800 năm tuổi, với tên cổ Ứng Mão khắc trên cổng làng vẫn còn lưu lại. Làng Mẹo có 11 dòng họ lớn. Trong đó, những dòng họ có nhiều con em thành đạt là Trần, Vũ, Đinh, Lê...
 
Con cháu một số dòng họ còn truyền tai nhau việc có một bài kệ dạy nghề đi buôn của ông cha để lại, ai thuộc ắt sẽ nhanh chóng làm giàu. Thực hư chẳng biết thế nào nhưng chuyện người làng Mẹo “buôn bán có nòi” thì nhiều người đã biết và nể phục.
 
Người làng Mẹo tự hào cho biết từ thời xa xưa, lụa nơi đây đã nức tiếng, sớm lên Hà Nội bán khắp phố Hàng Ngang, Hàng Đào rồi đi tứ xứ. Người làng Mẹo còn dệt chỉ khâu, bện dây thừng, dựng khung cửi... Tất thảy sản phẩm nào mang thương hiệu làng Mẹo đều bán chạy.
 
Đến thời kháng chiến và bao cấp, cả nước cùng khó khăn, người làng Mẹo lại nhanh nhạy dệt lưới đánh cá bán cho các vùng nông thôn. Rồi khi người Việt ta đi xuất khẩu lao động ở các nước XHCN nhiều thì làng Mẹo dệt vải bò gửi bán khắp Đông Âu.
 
Kinh tế thị trường mở ra, người làng Mẹo lại xoay sang dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm và xuất khẩu. Khoảng 10 năm nay, sản phẩm chủ lực của làng Mẹo là khăn mặt xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu...
 
img
 Làng Mẹo trù phú - Ảnh: THẾ DŨNG
 
“Xã hội cần sản phẩm gì, người ta làm được gì thì làng Mẹo cũng học được, làm được và làm đẹp hơn. Có khó khăn đến mấy nhưng làng Mẹo chẳng khi nào ngớt tiếng thoi đưa. Chỉ khi nào thế giới không dùng vải, làng Mẹo mới không còn khung cửi” - ông Khắc cười sảng khoái.
 
Không chỉ giỏi dệt vải và đi buôn, người làng Mẹo còn đầy sáng tạo. Ông Đinh Xuân Cảnh, một cán bộ nghỉ hưu về làng dưỡng già, khoe: “Người làng Mẹo vừa chế ra hệ thống cơ khí dệt giúp giải phóng sức lao động rất lớn, cho năng suất cao và tạo ra được sản phẩm rất tinh xảo, mẫu mã đa dạng. Nhiều kỹ sư cơ khí đến tham quan, khi thấy khung cửi dệt khăn mặt do người làng Mẹo làm đã phải  phục sát đất”.
 
Vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vốn thanh bình, im ắng nhưng ngôi làng nằm kề Quốc lộ 39 này luôn rộn rã tiếng thoi đưa. Từ sáng đến khuya, xe container vào ra tấp nập cõng hàng  từ làng Mẹo ra đất cảng. “Làng tỉ phú” đã có hình hài phố thị.
 
Ông Nguyễn Văn Chưng, Chủ tịch UBND xã Thái Phương - cũng là con dân làng Mẹo, cho biết làng có trên 1.300 hộ, hầu hết mỗi hộ đều có ít nhất 2 khung cửi. Làng Mẹo nay được chia thành 4 thôn - Phương La 1, 2, 3, 4 – và có tới hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ với cả vạn lao động. Đến giờ tan ca, người lao động đổ ra đường không khác gì ở một khu công nghiệp lớn.
 
Theo ông Chưng, trong số hàng trăm cơ sơ sản xuất ở làng Mẹo, nổi bật nhất là các đại gia có kim ngạch xuất khẩu khăn mặt hàng đầu Việt Nam như Tuấn Lộc, Toàn Thắng, Nam Thành, Tân Phương, Tân Cúc... Mỗi tháng, các doanh nghiệp này xuất hàng trăm container khăn mặt các loại đi khắp thế giới. Họ đóng thuế cả trăm tỉ đồng và doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm.
 
Tính sơ, làng Mẹo có trên trăm hộ là tỉ phú, còn ô tô lớn, nhỏ vài trăm chiếc đậu đầy đường. Nhà cao tầng ở làng Mẹo mọc lên san sát, tôi cứ ngỡ mình đi giữa phố.
 
Dân làng Mẹo đi xa lập nghiệp cũng có nhiều người rất thành đạt. Nổi bật trong số đó là ông Vũ Quang Huy - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, ông Trần Văn Sen - chủ hãng bia Hương Sen với thương hiệu bia Đại Việt, ông Trần Xuân Ứng - Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu Thành Công, ông Lê Minh Quang ở cảng Hải Phòng...
 
Đàn ông, con trai làng Mẹo giỏi giang nên người dân khắp nơi đều muốn gả con gái và cô nào làm dâu được ở làng này cũng xem như có phúc. Dâu “làng tỉ phú” cũng xinh đẹp, khéo tay, hay nết nhất vùng. Con gái làng Mẹo cũng nức tiếng xinh đẹp, nết na, nhất là có tài dệt cửi.
 

Người làng Mẹo đã giàu nên có điều kiện đầu tư cho con cái học hành. Mỗi năm, làng có hàng chục người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và dần dần xóa đi “lời nguyền” rằng người làng Mẹo chỉ giỏi đi buôn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo