Trao đổi với chúng tôi ngày 15-5, ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, cho biết trong tháng 4 đã xảy ra 102 vụ mất cắp với tổng số tiền thiệt hại ước tính 1,03 tỉ đồng. Phải mất từ 15 đến 20 ngày mới phục hồi hệ thống dây nguồn bị mất cắp. Có những trường hợp không phục hồi nhanh được do đã xảy ra 3 lần trở lên, phải trình phương án cho khu quản lý giao thông mới có kinh phí tái lập.
. Phóng viên: Bình quân mỗi ngày có hàng chục vụ mất cắp dây điện chiếu sáng, nhưng vì sao vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn?
- Ông Trần Trọng Huệ: Chúng tôi đã có nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn, thông báo đến địa phương về dấu hiệu nhận diện kẻ gian, người của công ty chiếu sáng, điện lực, bưu điện; khi thực hiện công việc phải báo trước với địa phương, mặc đồng phục và chuyên chở vật tư bằng xe chuyên dùng, tuyệt đối không sử dụng xe máy. Nhưng thời gian qua, các vụ ăn cắp dây điện số lượng lớn được vận chuyển bằng xe tải nhỏ, xe hơi. Việc phát hiện các đối tượng này rất khó vì địa bàn rộng, chúng tôi không quán xuyến hết. Công an địa phương nhiều nơi cũng không quan tâm nên không xác minh hiện trạng khiến chúng tôi không thể đề xuất kinh phí khôi phục hiện trạng ngay.
. Đã từng có trường hợp bị kết án tù 10 năm, thậm chí có trường hợp bị bắt lần thứ 2, 3, chẳng lẽ công ty cũng “bó tay”?
- Theo tôi, cần tăng cường xét xử lưu động tại địa phương đối với loại trộm cắp này vì nó có tác dụng răn đe và giáo dục ý thức cho người dân nhiều nhất. Hai là đề xuất Sở GTCC và UBND TP có biện pháp khen thưởng người phát hiện vụ trộm để khuyến khích người dân tham gia. Những khoản thu hồi do mất cắp sẽ thưởng cho lực lượng công an, dân phòng địa phương. Địa phương nên phối hợp với chúng tôi để giáo dục ý thức và tuyên truyền cho người dân nhiều hơn. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra vì trách nhiệm chính bảo vệ hệ thống hạ tầng là thuộc chính quyền địa phương.
Bình luận (0)