Công an: phải chờ kết quả giám định
12g ngày 14-4, gia đình chị Hoàng Thị Thanh Truyền đã làm xong mọi thủ tục tại nhà tang lễ Bệnh viện An Bình và đưa thi hài chị về Bình Định. Gia đình dự kiến chôn cất chị vào sáng nay (15-4).
Anh Hoàng Trần Duy, anh trai Truyền, cho biết Điện lực Tân Phú (thuộc Công ty Điện lực TP.HCM) cử bốn nhân viên theo đoàn đưa thi hài chị Truyền về quê, đồng thời hỗ trợ gia đình chị 50 triệu đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Hoàng Tuấn - phó trưởng Công an Q.Tân Phú - cho biết ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn khiến chị Truyền tử vong, Công an Q.Tân Phú đã có mặt tại hiện trường lập hồ sơ ban đầu và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết.
Theo ghi nhận của Công an Q.Tân Phú, nguyên nhân dẫn tới cái chết của chị Truyền là do điện giật. Ngoài ra còn ghi nhận ba chiếc xe gắn máy bị cháy và hai người khác bị thương nhẹ cũng do điện gây ra.
Dây điện trung thế 15kV bị đứt, nẹt lửa (ảnh trái) và hiện trường xảy ra tai nạn thương tâm trên đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM. Cô gái bị điện giật chết, bên cạnh là các xe máy cũng đang bốc cháy (ảnh phải)
Nguồn điện gây ra các vụ việc trên được xác định là từ sợi dây tải điện trung thế bị đứt trong khi trời mưa. Còn việc sét đánh có phải là nguyên nhân gây sự cố đứt dây điện khiến người chết, xe cháy hay không phải chờ kết quả giám định rất phức tạp từ nhiều cơ quan chức năng mới có thể kết luận được. “Chúng tôi chỉ có thể nói nguyên nhân gây ra cái chết của cô gái là do điện giật, còn những vấn đề khác đang được làm rõ” - ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết hiện chưa thể khẳng định có khởi tố vụ án hay không vì có rất nhiều yếu tố phức tạp về tổ chức, về con người... liên quan đến trường hợp này. Trước mắt, công an quận sẽ phối hợp cùng Điện lực Tân Phú và các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân gây ra vụ đứt dây điện, nguyên nhân rơle không ngắt điện khi có sự cố đứt dây.
Ngành điện: dây điện đứt là do sét đánh
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tâm trên, ông Lê Văn Phước - giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM - cho biết theo nhận định ban đầu của công ty điện lực, lúc 5g49 ngày 13-4 sét đánh xuống đường dây, rơle tự động ngắt mạch làm cắt điện, mất điện luôn cả tuyến.
Do mất điện đột xuất, biết là có sự cố, Điện lực Tân Phú đã tổ chức kiểm tra đột xuất đường dây hơn hai giờ không phát hiện hiện tượng gì nên xin phát điện lại. Tuy nhiên chỉ trong ba phút phát điện lại đã xảy ra sự cố đứt dây.
Ông Nguyên Vũ - người có mặt tại hiện trường và chụp ảnh gửi đăng Tuổi Trẻ ngày 14-4 - kể: “Tôi đang đi xe thì nghe tiếng xẹt điện. Nhìn lên trên, thấy dây điện nẹt lửa, cọng dây điện đứt, rớt xuống. Tôi la lên, mọi người xung quanh la lên và chạy. Tôi băng xe lên lề đường bên kia. Cô gái đi sau xe tôi chạy không kịp. Điện bắt đầu nẹt tiếng lách tách như hàn xì, nẹt điện khoảng một phút thì khói bốc lên. Khoảng thời gian này mọi người chặn không cho xe qua. Điện vẫn không được ngắt vì lát sau khi xe buýt chạy qua, nước tạt lên, lửa trong dây điện tiếp tục bốc cháy”.
Hiện trường xảy ra vụ tai nạn sáng 13-4
Nói về cơ sở để nhận định đường dây bị sét đánh, ông Vũ Thế Cường - trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực TP.HCM - cho là do rơle ngắt điện lúc 5g49, ghi nhận thời điểm này dòng điện ở mức 7.600 ampe, trong khi dòng chịu tải chỉ ở mức 600 ampe nên rơle tự ngắt điện.
Ông Cường nhận định: “Ban đầu do sét đánh, dòng cảm ứng lan truyền suốt tuyến đường dây nhưng chưa làm hư hỏng hẳn đường dây. Dây điện không đứt nhưng có thể tại một đoạn lõi bên trong đã bị đứt vài sợi song vẫn còn lớp bọc cách điện bên ngoài nên khi anh em đi kiểm tra mắt thường không thấy được. Khi phát điện trở lại, đường dây vận hành, điểm dây bị yếu không chịu nổi dẫn đến đứt luôn. Trong quá trình kiểm tra (từ 5g49 đến 8g34), nếu phát hiện được đoạn dây yếu thì điểm này chính là điểm gây đứt và cháy sau đó”.
Ngoài ra, theo lý giải của ông Cường, khi sợi dây bị đứt sinh ra hồ quang, tại vị trí đứt sẽ phát ra hồ quang cùng tiếng xẹt lửa, phát tiếng nổ. Khi bị cháy, dây điện bị chảy nhựa và rơi nhưng lại rơi trên nền ximăng cao, dòng điện không đủ tác động làm rơle ngắt điện.
Theo Công ty Điện lực TP.HCM, sau ba phút phát điện trở lại từ 8g34 ngày 13-4, nhân viên điện lực phát hiện chỉ số ampe hiện lên 0 ampe (báo hiệu có sự cố) nên sau đó đã ngắt điện.
Theo ông Vũ Thế Cường, cơ chế hoạt động của các rơle là tự động ngắt điện khi dòng điện qua dây lớn hơn dòng chịu tải của đường dây. Thông thường, dòng điện lớn hơn khoảng 10% dòng chịu tải của đường dây thì rơle sẽ tự động bật xuống (ngắt điện) tránh xảy ra sự cố trên toàn lưới điện.
Thông thường rơle bật xuống do sét đánh hoặc quá tải. Trường hợp khi xảy ra sự cố đứt đường dây nhưng dây điện chưa chạm đất (lơ lửng trên không) có khả năng dòng điện không đủ tác động để rơle bật xuống.
Theo giải thích của ông Cường, đoạn dây trên vẫn còn nhiễm điện và có khả năng giật hoặc phóng điện khi có người vô tình chạm phải hoặc đứng gần. Giải pháp an toàn nào để khi có sự cố đứt dây thì lập tức điện tự động ngắt để đảm bảo an toàn?
Ông Lê Văn Phước cho rằng trường hợp trên chỉ là tai nạn hi hữu và ngành điện cũng đang đau đầu về vấn đề này. Cũng theo ông Phước, việc kiểm soát hệ thống đường dây bị đứt hay không chủ yếu phụ thuộc vào các nhân viên vận hành. Khi xảy ra sự cố đứt dây, hệ thống sẽ báo khu vực đó có dòng điện là 0 ampe. Từ đó tiến hành các thao tác để cắt điện.
* Luật sư LÊ ĐÌNH PHẠT (Đoàn luật sư TP.HCM): Ngành điện phải chứng minh là có sét đánh Dây điện trên lưới được coi là một bộ phận của hệ thống tải điện, xếp vào dạng “nguồn nguy hiểm cao độ” mà theo điều 623 Bộ luật dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ này phải có trách nhiệm bảo quản, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đối chiếu với diễn biến của sự việc, nạn nhân đang di chuyển trên đường hoàn toàn không có lỗi nhưng đã bị dây điện đứt, rớt trúng người dẫn đến thiệt mạng thì ngành điện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên dù bị sét đánh trúng, làm đứt dây điện thì tại sao hệ thống ngắt mạch không tự động ngắt kịp thời khi điện giật nạn nhân? Như vậy ngành điện cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp hệ thống ngắt điện tự động không hoạt động hoặc hoạt động không tốt. * Luật sư NGUYỄN THANH GIANG (Đoàn luật sư TP.HCM): Ngành điện phải có nghĩa vụ bồi thường Cần có kết luận của cơ quan chức năng giám định, xác định là sét đánh đúng tại thời điểm dây điện đứt, gây tai nạn cho nạn nhân mà ngành điện không trở tay kịp. Ngành điện dùng từ “hỗ trợ” gia đình nạn nhân trong trường hợp này là không đúng, mà chính xác là phải có nghĩa vụ bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân phải được tính đúng, tính đủ bao gồm thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần cho thân nhân, gia đình nạn nhân chứ không thể là một khoản hỗ trợ chung chung. CHI MAI ghi |
Nhân chứng: không có sấm sét * Tôi cũng là nạn nhân của vụ đứt dây điện sáng 13-4 và chứng kiến vụ việc từ đầu tới cuối. Tôi đứng sát ngay nạn nhân. Tôi khó đồng tình với ý kiến là đường dây điện bị sét đánh trúng. Tôi cũng là kỹ thuật viên của ngành điện, tôi muốn hỏi: Tại sao khi bị sự cố, đường dây hệ thống truyền tải điện không được cách ly liền mà tới hơn 15 phút mới ngắt? PHAM THANH DANH (hoadanh091@...) * Tôi là một trong những người đi đường chứng kiến cảnh tai nạn thương tâm trên. Vì đường đầy nước nên tôi đã chạy xe lên lề (đối diện nơi xảy ra tai nạn) chờ nước rút rồi về. Trong khoảng thời gian xảy ra sự cố, trời đã dứt mưa và hoàn toàn không có sấm sét, việc Điện lực Tân Phú bảo nguyên nhân là do sấm sét, tôi không đồng ý. PHẠM MINH * Tôi cũng là người có mặt tại hiện trường, là người đứng gần cô gái bị chết và cũng bị xây xát nhẹ do dây điện đập trúng tay nhưng thoát được. Tai nạn xảy ra quá thương tâm, cô gái đã bị cháy đến ba lần, dây điện đứt là do chập điện chứ không có sấm sét vào thời điểm đó. LÊ MAI ANH (lemaianh32313@...) * Tôi là người có mặt và chứng kiến toàn bộ tai nạn sáng 13-4 trên đường Âu Cơ. Tôi chỉ đứng cách cô gái gặp nạn khoảng 2m, vừa nghe tiếng nổ lớn tôi nhìn lên thì thấy bình biến áp bị nổ làm đứt sợi cáp điện trung thế. Thấy sợi cáp rơi tôi liền vứt xe chạy sang lề đường bên kia. Tôi khẳng định rằng nguyên nhân làm đứt sợi cáp là do nổ bình biến áp. Tôi cũng như nhiều người chứng kiến sự việc rất mong các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của ngành điện trong sự việc này. PHẠM TẤN SỸ (ptsyqn@...) * Cũng là nhân viên ngành điện, tôi thật sự bức xúc trước sự “đổ thừa vô tội vạ” cho trời của ngành điện: dây điện đứt là do sét đánh. Không hiểu mấy ông “kỹ sư điện” kia có hiểu khi nào xảy ra sét không? Thật sự mà nói, ngành điện cần phải xem lại hệ thống rơle bảo vệ các tuyến dây 15kV của mình đang quản lý. Theo nhận định sơ bộ của tôi, chắc chắn do rơle bảo vệ tuyến dây này không hoạt động (chính xác là trị số cài đặt rơle có vấn đề). Khi một rơle bảo vệ tốt, nếu có sự cố nào đó làm mất điện một pha hay ngắt mạch ba pha thì rơle sẽ tác động tức thời (đơn vị thời gian tính bằng mili giây). Ở đây, mất một pha mà 15 phút sau mới cắt điện. MỘT BẠN ĐỌC |
Bình luận (0)