xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những chuyện "lùm xùm" ở Tiền Giang: Lãnh đạo tỉnh nói gì?

Theo Vân Trường (Tuổi Trẻ)

Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Trần Thị Kim Cúc nói về vụ ưu đãi đầu tư khu công nghiệp Tân Hương và Chánh văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Văn Chiến nói về vụ cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang.

Vụ ưu đãi đầu tư khu công nghiệp Tân Hương (Tiền Giang): Yêu cầu UBND tỉnh nhận khuyết điểm

img
Bà Trần Thị Kim Cúc -
Ảnh: V.Trường

Chiều 12-5, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về các vụ việc báo chí nêu trong những ngày qua, bà Trần Thị Kim Cúc - bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang - nói:

- Tôi đã đọc hết những thông tin báo chí nêu. Tôi hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã đưa tin có trách nhiệm, phản ánh vụ việc nhiều chiều, có ý kiến phản hồi của UBND tỉnh để người đọc hiểu rõ bản chất vấn đề việc ưu đãi đầu tư Khu công nghiệp Tân Hương.

Đưa tin như vậy cũng là đóng góp cho tỉnh trong việc chỉ đạo, điều hành sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Hoàng Kiều nợ dân 18 tỉ đồng

Ngày 12-5, luật sư Võ Tuấn Vĩnh Thụy (Đoàn luật sư Tiền Giang, đại diện quyền lợi cho ông Nguyễn Văn Tư ở ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho) cho biết đang hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị khởi kiện ông Hoàng Kiều - chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Tiền Giang - ra tòa đòi nợ.

Theo đó, tháng 6-2009 ông Hoàng Kiều mua 2,3ha đất của ông Tư với số tiền 30 tỉ đồng (làm tròn) để xây dựng khu du lịch sinh thái Thới Sơn. Ông Tư đã làm thủ tục sang tên miếng đất này cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang của ông Hoàng Kiều, nhưng đến nay ông này vẫn còn nợ ông Tư gần 18 tỉ đồng.

Ngày 21-3 vừa qua, UBND xã Thới Sơn mời ông Hoàng Kiều đến để hòa giải theo đơn khiếu nại của ông Tư. Tại đây, ông Trần Thanh Tiến (giám đốc công ty) thay mặt ông Hoàng Kiều đã làm bản thỏa thuận xác nhận còn nợ và cam kết sẽ trả đủ số nợ nói trên cho ông Tư vào ngày 30-5-2010. Dù chưa trả đủ nợ nhưng ông Hoàng Kiều đã cho xây dựng trên phần đất của ông Tư.
V.TRƯỜNG



Với trách nhiệm là bí thư tỉnh ủy, tôi đã chỉ đạo kiểm tra lại những thông tin báo chí nêu. Cái nào sai thì kiểm điểm, xử lý; cái nào đúng thì phản hồi cho dư luận rõ.

* Thưa bà, UBND tỉnh Tiền Giang vay tiền của Bộ Tài chính để ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Nhựt Thành Tân mà không thông qua HĐND tỉnh là đúng hay sai? Tỉnh ủy có biết không?

- Tỉnh ủy biết chuyện này lâu rồi. Ban thường vụ tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh phải nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm. UBND tỉnh quyết định ưu đãi đầu tư cho Công ty TNHH Nhựt Thành Tân 77,5 tỉ đồng và cho mượn không tính lãi 77,5 tỉ đồng trong thời gian năm năm nhưng HĐND tỉnh không biết, không thông qua là sai.

Tôi đã chỉ đạo UBND tỉnh phải nhận khuyết điểm trước HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp tới.

* Còn việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang thì sao?

- Tôi cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp này là đúng chủ trương của Chính phủ. Định giá trị tài sản như thế nào để tiến hành cổ phần hóa là do UBND tỉnh làm, tỉnh ủy không nắm rõ.

Về việc bán cổ phần nhà nước ra bên ngoài sau này khi có dư luận đặt vấn đề thì tôi có hỏi UBND tỉnh, qua đó mới biết Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán.

Về việc dư luận đặt vấn đề định giá tài sản nhà nước tại công ty này quá rẻ và vì sao hai lần bán 51% cổ phần nhà nước nắm giữ đều thuộc về gia đình ông Hoàng Kiều, tỉnh ủy đã chỉ đạo ủy ban kiểm tra vào cuộc làm rõ.

Toàn bộ vấn đề cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang sẽ được Ban thường vụ tỉnh ủy đưa ra bàn bạc. Hiện nay ủy ban kiểm tra đang làm, chưa có kết quả nên tôi không có cơ sở để khẳng định với báo chí, dư luận là việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang đúng hay sai, có gì khuất tất không.

* Thưa bà, có thông tin cho rằng bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang có liên quan, hay nói khác hơn là đồng thuận cho UBND tỉnh trong hai vụ việc trên. Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đang làm rõ đơn tố cáo bà liên quan đến ba vụ khác là: đồng thuận giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài làm Khu công nghiệp Long Giang nhưng kém hiệu quả, mua nhà đất theo nghị định 61 không đúng quy định, can thiệp cơ quan điều tra không khởi tố con gái nuôi tên Diệu Hồng ở Ngân hàng Công thương Tiền Giang có dấu hiệu phạm tội hình sự. Bà nói gì về việc này?

- Tôi không biết vì sao thông tin nội bộ Đảng lại bị lọt ra ngoài khi chưa có kết luận chính thức như vậy. Việc tiết lộ thông tin này là vi phạm nguyên tắc Đảng, tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý theo quy định. Còn vấn đề anh nêu tôi xác nhận là có.

Đúng là Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra những vụ việc đó. Tôi có liên quan, có đồng thuận hay không, có sai trái gì không thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận. Lúc này tôi không thể nói tôi đúng hay tôi sai được.

img
Khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng của Công ty Du lịch Tiền Giang khi cổ phần hóa chỉ được định giá hơn 2,7 tỉ đồng - Ảnh: V.TRƯỜNG

Cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang: UBND tỉnh khẳng định làm đúng

img
Ông Nguyễn Văn Chiến - Ảnh: T.Thắng

Cùng chiều 12-5, được sự ủy quyền của chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Chiến - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh - đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ xung quanh chuyện cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang. Ông Chiến nói:

- Tôi khẳng định không có tiêu cực trong chuyện xác định giá trị Công ty Du lịch Tiền Giang. Hội đồng xác định giá trị công ty này vào thời điểm 31-12-2003 đúng theo hướng dẫn tại thông tư số 79/2002/TT-BTC ngày 12-9-2002 về hướng dẫn xác định giá trị doanh nghiệp khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.

Giá trị đó đã bao gồm lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp tính ba năm liền kề trước đó là 220,7 triệu đồng; không tính giá trị quyền sử dụng đất do đây là đất UBND tỉnh quản lý và cho doanh nghiệp thuê lại.

* Vì sao khi định giá, tỉnh chỉ tính phần tài sản cố định trên đất mà không tính những giá trị sinh lợi khác của công ty này, chẳng hạn khả năng sinh lợi của các hạng mục công trình khách sạn, nhà hàng này nằm ở các vị trí đắc địa có 2-3 mặt tiền?

- Quy định thời điểm đó không đề cập vấn đề này. Cho nên mới có chuyện định giá khách sạn Sông Tiền cao bảy tầng thấp như báo chí nói.

Nếu xác định giá trị Công ty Du lịch Tiền Giang vào thời điểm hiện nay thì chắc chắn sẽ không phải là 7 tỉ đồng mà cao hơn rất nhiều. Quy định tính giá trị vô hình, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp sau này mới có.

* Khi xác định công ty này chỉ có 7 tỉ đồng, UBND tỉnh có đặt nghi vấn gì không?

- Có. Vài ý kiến cho rằng hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp định giá khách sạn Sông Tiền để đưa vào cổ phần hóa là thấp so với thực tế. UBND tỉnh có văn bản giao Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh kiểm tra, xác định lại lần nữa. Kết quả, giá trị còn lại của khách sạn Sông Tiền được nâng từ 50% lên 55%; đơn giá nâng từ 1,4 triệu đồng/m2 lên 1,6 triệu đồng/m2.

Sau khi xác định lại thì giá trị khách sạn Sông Tiền đã tăng khoảng 568 triệu đồng so với trước. Nhờ vậy mà giá trị vốn nhà nước tại công ty này mới là 6,04 tỉ đồng. Nhìn tổng thể thì thấy có rẻ nhưng tỉnh đã làm đúng quy định vào thời điểm đó.

* Vì sao tỉnh không giữ 51% cổ phần trong công ty này mà bán hết? Và tại sao trong ba lần đấu giá cổ phần Công ty CP Du lịch có rất ít khách hàng tham gia. Hai lần bán cổ phần nhà nước ông Hoàng Kiều đều tham gia và trúng đấu giá?

- Theo quy định thì Công ty Du lịch không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần. Cho nên sau khi bán đấu giá công khai 140.000 cổ phần đợt 1, UBND tỉnh quyết định bán tiếp 21% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước.

Trong lần chào bán này, một nhà đầu tư đã trúng đấu giá (60.100 đồng/cổ phần) nhưng sau đó từ chối mua, nên phải tổ chức đấu giá lần hai và chỉ có hai nhà đầu tư tham gia là Công ty Tống Linh Giang và ông Hoàng Kiều. Kết quả, ông Hoàng Kiều trúng đấu giá với số tiền 45.200 đồng/cổ phần.

Đến tháng 5-2007, UBND tỉnh Tiền Giang chuyển giao hết phần vốn nhà nước tại Công ty CP Du lịch Tiền Giang cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý với giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 2,1 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ.

Tháng 3-2009, SCIC tiếp tục bán hết phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp cho nhà đầu tư theo phương thức đấu giá. Lần này ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) trúng đấu giá với số tiền 36.100 đồng/cổ phần.

Tiền thu được từ đấu giá bán cổ phần đợt 1 và 2 được nộp toàn bộ về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp nhà nước theo quy định. Riêng tiền bán cổ phần đợt 3 nộp về SCIC.

Hai lần bán đấu giá trước tỉnh đều thông báo trên báo Ấp Bắc và Sài Gòn Giải Phóng. Riêng lần 3, SCIC thông báo trên báo Ấp Bắc.

Vì sao ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ) biết được thông tin và tham gia đấu giá cổ phần nhà nước liên tục hai lần thì tôi không biết. Tuy nhiên, tôi khẳng định không có tiêu cực gì trong chuyện này vì mọi cái đều công khai.

* Có dư luận cho rằng ông Hoàng Kiều xây dựng khu du lịch sinh thái Thới Sơn khi chưa trả nợ mua đất của người dân và chưa có đầy đủ giấy phép theo quy định?

- Khu du lịch Thới Sơn mà ông Hoàng Kiều đang xây dựng được UBND TP Mỹ Tho cấp phép xây dựng ngày 21-12-2009 với tổng diện tích 3.969m2. Đây là diện tích đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn đất mà ông Hoàng Kiều chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng. UBND tỉnh cũng có nghe thông tin một số hạng mục đang xây ở đây chưa có phép, hiện đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra.

* Mới đây ông Hoàng Kiều đòi tỉnh giao khu đất rộng hơn 1.000m2 ngay bên cạnh khách sạn Sông Tiền. Theo chúng tôi biết đây là đất của Nhà nước chứ không phải đất của Công ty CP Du lịch do ông Hoàng Kiều làm chủ. UBND tỉnh giải quyết thế nào?

- Năm 2000 UBND tỉnh Tiền Giang có chủ trương giao khu đất của Sở Địa chính (cũ) để mở rộng khách sạn Sông Tiền. Năm 2002, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt kinh phí đền bù để tiến hành mở rộng khách sạn này.

Khi đó công ty này chưa cổ phần hóa, còn thuộc sở hữu nhà nước. Hiện khu đất này đã quy hoạch làm công viên cây xanh nên không thể giao cho Công ty CP Du lịch Tiền Giang được, dù là cho thuê.

* Vì sao UBND tỉnh Tiền Giang xin Chính phủ cho dời cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 từ Khánh Hòa về Tiền Giang? Có phải do ông Hoàng Kiều yêu cầu không? Khi ông Hoàng Kiều tuyên bố bỏ cuộc, ông ấy có bàn bạc với UBND tỉnh không?

- Khi ông Hoàng Kiều đã mua cổ phần của Công ty CP Du lịch Tiền Giang và đầu tư khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tại cù lao Thới Sơn thì có đề nghị với tỉnh xin chuyển cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 2010 từ Khánh Hòa về Tiền Giang.

UBND tỉnh và các ngành chấp nhận và xin Chính phủ vì thấy ông Hoàng Kiều có sẵn cơ sở vật chất kỹ thuật để tổ chức. Nhưng sau đó UBND tỉnh biết được tỉnh Khánh Hòa không đồng thuận (lúc này Chính phủ cũng chưa có ý kiến) nên đã chủ động rút đơn không đăng cai nữa, chứ không phải lệ thuộc vào ông Hoàng Kiều.

Bù lại, tỉnh Tiền Giang cũng chính thức xin Bộ VH-TT&DL và Chính phủ cho phép đăng cai tổ chức chung kết cuộc thi Hoa hậu thế giới vào năm 2011 hoặc năm 2012.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo