Hai con đường xương cá số 1, số 2 đã hoàn thành, nối xóm Gò với trung tâm xã Phong Phú. Song, giữa những con rạch vẫn chưa có cầu nên muốn đến xóm Gò, chúng tôi phải ngồi ghe hơn nửa giờ. 57 hộ dân ở đây sống rải rác, cách nhau hàng trăm mét.
Thiếu điện, thiếu đủ thứ
Chúng tôi ghé nhà bà Huỳnh Thị Nhị khi bà đang mở vại nước mưa múc uống. Chỉ hơn 10 cái lu lớn nhỏ ở ngoài sân, bà Nhị kể: “Đợt mưa nào cũng tranh thủ hứng để dành uống, khỏi tốn tiền đi mua nước”. Theo một cán bộ UBND xã Phong Phú, vùng này không thể đào giếng, phải khoan và có điện mới bơm nước lên được. “Cách đây mấy năm, UNICEF tài trợ làm 3 giếng khoan, song do không có điện nên đành bỏ hoang” - vị này cho biết.
Lôi ra 5-6 cái đèn dầu, bà Nhị bộc bạch: “Đêm nào cũng thắp hết mới đủ sáng. Tuy nhiên, để tiết kiệm, nhà tôi thường đi ngủ sớm, vậy mà tháng nào cũng xài hết 5 lít dầu. Chúng tôi nhìn quanh, trên nền nhà mấp mô đất, từng đàn gà, vịt tung tăng; muỗi bay như vãi trấu.
Qua nhà ông Lê Văn Lùng kế bên nhà bà Nhị, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một dàn máy cassette và tivi trắng đen. Song, hỏi đến thì ông Lùng rầu rĩ: “Tôi mua rồi xếp xó đó, vì đâu có điện mà xài! Trước đây, UBND xã vận động dân hiến đất, góp tiền làm đường, trồng trụ điện. Ngỡ sắp có điện, tôi sắm chúng, đến nay vẫn chỉ để ngó chơi!”.
Theo ông Lùng, UBND xã đề nghị mỗi hộ dân đóng 1,1 triệu đồng để kéo điện, song 3 năm sau vẫn chưa có. Sau đó, xã trả lại tiền và bảo nhà cách xa lưới điện nên không kéo tới.
![]() Ông Lê Văn Lùng bên cạnh dàn máy xếp xó vì không có điện |
Chiếc ghe máy lướt sóng gần 20 phút nữa đưa chúng tôi tới những căn nhà nằm sâu trong xóm Gò. Ba hộ dân ở đây có vẻ khấm khá hơn, khi xin được những chiếc máy năng lượng mặt trời để tạo ánh sáng. Anh Trần Tấn Cường ngán ngẩm: “Cũng chỉ giảm được tiền sạc bình ắc-quy thôi, chứ xài máy này công suất yếu lắm, gặp ngày nào mưa là thua luôn”.
Để phù hợp với công suất có hạn của chiếc máy, các thiết bị điện trong gia đình anh Cường đều nhỏ xíu như đồ chơi trẻ con. Thấy chúng tôi ngắm chiếc bóng đèn điện tí tẹo, vợ anh Cường thở dài: “Tôi thường dặn các con có bài vở gì thì học hết ở trường, tối về nhà chỉ coi thêm thôi vì sợ chúng hư mắt”.
Quanh quẩn với cái nghèo
Nằm ở một TP lớn nhất nước mà cuộc sống ở xóm Gò không khác gì vùng sâu, vùng xa nào đó. Nhà nhà đều mái tranh vách đất, người dân còn thói quen đi vệ sinh xuống kênh rạch. Người dân xóm Gò chủ yếu trồng bồn bồn và thả lưới bắt tôm cá để sống, luôn gặp cảnh bấp bênh.
Ông Lê Văn Lùng bức xúc: “Tôi muốn làm nhiều thứ lắm, nhưng không điện, không nước, đói thông tin..., muốn làm gì cũng khó”. Anh Trần Tấn Cường chia sẻ: “Vợ tôi muốn nuôi heo cũng không được vì không có nước. Nước sông thì nhiễm mặn, tắm còn không được”.
Theo ông Võ Đình Thâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú, xóm Gò do không có đường nên không thể trồng trụ điện. Hai năm trước, công ty điện lực đã kéo điện đến gần đây. Song, do dân cư sống rải rác, lại không có đường nên ngành điện cho biết không thể kéo điện vì không có hiệu quả kinh tế.
Bí thư Đảng ủy xã Phong Phú Nguyễn Văn Hạnh cho biết gần 60 hộ dân ở xóm Gò đều nằm trong diện nghèo, số tiền để làm đường, kéo đường dây điện vượt quá sức của họ, trong khi xã không có kinh phí hỗ trợ nên chỉ biết báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo của huyện.
Xem ra, để những hộ dân ở ốc đảo xóm Gò thoát nghèo, không gì hơn là phải có điện.
Huyện sẽ hỗ trợ Ông Lê Văn Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện vừa giao cho Hội Nông dân Bình Chánh khảo sát tình hình các hộ dân ở xóm Gò.
|
Bình luận (0)