UBND tỉnh Ninh Thuận vừa chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với chính quyền các huyện Ninh Phước, Thuận Nam chấn chỉnh ngay việc cấp phát gạo cứu trợ không đúng đối tượng và có dấu hiệu xà xẻo gạo của dân nghèo xảy ra tại một số thôn.
Đợt cấp phát 2.000 tấn gạo của Chính phủ cứu trợ đồng bào nghèo Ninh Thuận bị thiệt hại do hạn hán, được triển khai trong tháng 6-2015, thôn Văn Lâm 4 (xã Phước Nam – Thuận Nam) chỉ có 10 hộ với 52 khẩu được nhận, trong đó 2 hộ (8 khẩu) là con ruột của trưởng, phó thôn. Theo kế hoạch của tỉnh Ninh Thuận, lần cứu trợ này, mỗi nhân khẩu được nhận 30 kg gạo.
Sai sót làm mất ý nghĩa nhân đạo của việc cấp phát gạo cứu trợ
Ngay sau khi gạo được cấp phát, người dân của thôn Văn Lâm 4 đã phản ứng. Họ cho rằng 2 gia đình là con của trưởng, phó thôn không thuộc hộ nghèo, không bị thiệt hại do sản xuất nhưng được nhận 120 kg gạo/hộ (4 khẩu) là không đúng đối tượng. Trong khi đó, rất nhiều hộ nghèo trong thôn lại nằm ngoài danh sách được cứu trợ.
Giải thích chuyện tréo ngoe này, ông Báo Thanh Trừng - trưởng thôn Văn Lâm 4 - nói do lúc lập danh sách cứu trợ, những hộ nghèo của thôn còn sản xuất được nên… không đưa tên vào. Riêng chuyện cấp phát gạo cho 2 hộ thân nhân, ông Trừng lảng tránh.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-6, ông Hà Thanh Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Ninh Thuận cho biết sau khi nhận thông tin, sở đã phối hợp với UBND huyện Thuận Nam kiểm tra thực tế. “Đây là thiếu sót của thôn, có phần trách nhiệm của xã. Hiện chúng tôi đã yêu cầu xã Phước Nam lập lại danh sách khoảng 200 hộ của thôn Văn Lâm 4 trong diện được cứu đói, để trình UBND tỉnh cấp gạo bổ sung” ông Quang nói.
Trong khi đó, tại thôn Liên Sơn 1, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước đã xảy ra chuyện xà xẻo gạo của dân nghèo.
Lần cứu trợ này, thôn Liên Sơn 1 có 59 hộ nghèo được cứu đói. Sau khi nhận gạo, mỗi hộ dân nói trên phải trích lại 1 kg, giao cho trưởng thôn. Ông Tống Sở, trưởng thôn Liên Sơn 1, cho biết số gạo để lại này dùng để trang trải công bốc xếp, vận chuyển. “Từ trước đến nay, khi được cứu trợ, các thôn trong xã đều làm vậy” ông Sở khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, toàn bộ kinh phí bốc xếp, vận chuyển gạo đã được xã thanh toán. “Lấy gạo của dân nghèo như vậy là sai. Chúng tôi đã yêu cầu trưởng thôn Liên Sơn 1 mua ngay 59 kg gạo để trả lại cho bà con đồng thời phải họp dân trong thôn để xin lỗi,” ông Hùng cho biết.
Bình luận (0)