Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP ngày 13-8, các đại biểu HĐND TP đã nhận định: Từ tháng 5-2008, UBND TP đã cho phép được quảng cáo trên xe buýt nhưng đến nay Sở GTVT làm quá chậm. Sở GTVT được yêu cầu đẩy nhanh tốc độ quảng cáo bên thành xe buýt và mở rộng cho xe của mọi thành phần tham gia để giảm chi từ ngân sách.
Vài năm qua, ngân sách TP.HCM phải chi từ 500 đến 600 tỷ đồng/năm trợ giá xe buýt nhưng lại chưa khai thác quảng cáo trên xe buýt để bù đắp. Tại sao?
Cho quảng cáo, lợi cả trăm tỷ đồng
Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện TP có 150 tuyến xe buýt hoạt động với trên 3.200 xe. Theo ông Lê Trung Tính - Trưởng phòng Vận tải Sở GTVT, nếu cho phép quảng cáo bên ngoài thân xe buýt loại lớn từ 40 chỗ ngồi trở lên, số tiền thu được rất lớn. Một công ty quảng cáo cho biết tại Hà Nội, số tiền quảng cáo thu được từ 2.500 đến 3.000 USD/năm/xe buýt (tương đương 40-48 triệu đồng). TP.HCM thị trường rộng hơn, nhiều tuyến đường hơn thì mức giá quảng cáo sẽ tăng 20%-25%/xe/năm.
Với khoảng 3.200 xe buýt các loại tại TP, cộng hệ thống xe buýt còn có hơn 1.830 biển trụ dừng, 329 nhà chờ, 525 bảng treo, hơn 13.800 ô sơn hiện, nếu quảng cáo phù hợp trên toàn bộ hệ thống, số tiền thu được sẽ là hàng trăm tỷ đồng/năm. Được biết trong năm 2007, nhờ quảng cáo trên một số trạm dừng, nhà chờ mà TP đã thu về gần 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ nhiệm HTX Vận tải 19-5 cho biết hiện có rất nhiều đơn vị quảng cáo đến đặt vấn đề quảng cáo trên xe buýt với giá 50 triệu đồng/năm/xe 80 chỗ và 38 triệu đồng/năm/xe 55 chỗ. HTX chưa thể nhận quảng cáo vì còn chờ chỉ đạo của Sở GTVT. “Nếu được phép quảng cáo, hơn 100 xe buýt loại 80 chỗ hiện đang hoạt động của HTX ít nhất cũng mang về mỗi năm năm tỷ đồng. Nếu theo tỷ lệ ăn chia 5/5 (ngân sách một phần, chủ xe một phần), mỗi năm xã viên cũng được hưởng 2,5 tỷ đồng” - ông Triệu nói. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Vận tải TP, công ty ông cũng được một số doanh nghiệp đến đề nghị cho quảng cáo bằng cách chiếu trên tivi đặt bên trong xe buýt.
Lợi thế của quảng cáo trên xe buýt rất lớn. Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy có gần 85% lượt hành khách đồng tình với việc quảng cáo trên xe buýt.
Xe buýt của Công ty Phương Trinh ở TP.HCM không được quảng cáo nhưng lên Đồng Nai hoạt động thì “vô tư”. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Chia lợi nhuận 5/5 hay 4/6?
Cũng tại buổi làm việc với Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP ngày 13-8, đại biểu Đặng Văn Khoa hỏi: “Tại sao chỉ mỗi TP.HCM là cấm quảng cáo trên xe buýt trong khi các nước phát triển và các tỉnh vẫn làm?”.
Trước đây, xe buýt tại TP.HCM được phép quảng cáo ngoài thân xe. Đến cuối năm 2002, hoạt động này đã bị cấm do có ý kiến cho rằng quảng cáo trên xe buýt làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Theo ông Nguyễn Vũ Khuê - chuyên viên Ban An toàn giao thông TP, ý kiến này thiếu cơ sở vì chưa có cuộc khảo sát nào cho thấy tai nạn giao thông gia tăng do người đi đường nhìn quảng cáo trên xe buýt. Phó giáo sư-tiến sĩ Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng cho rằng nhiều nước trên thế giới đã cho phép quảng cáo cả bên ngoài và bên trong xe buýt.
Được biết, Sở GTVT mới chỉ thí điểm trên 267 xe của Công ty Xe khách Sài Gòn. Theo ông Dương Hồng Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT sở đã lập xong đề án quảng cáo trên xe buýt để giảm gánh nặng trợ giá cho ngân sách. Tới đây, Trung tâm Thẩm định giá (Sở Tài chính) sẽ gửi bản báo thẩm định giá quảng cáo bên ngoài xe buýt cho Sở GTVT, sau đó sở sẽ xin ý kiến UBND TP và có thể triển khai ngay trên khoảng 2.000 xe buýt loại lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giao - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, cái vướng lớn nhất hiện nay là tỷ lệ chia lợi nhuận từ tiền quảng cáo giữa ngân sách và chủ xe (liệu chia 5/5 hay 4/6?). Vì thế việc quảng cáo chưa triển khai đại trà trên các xe buýt khác. Ông Lâm Văn Phấn - Chủ nhiệm HTX Việt Thắng và ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ nhiệm HTX Vận tải 19-5 đều cho rằng tỷ lệ chia lợi nhuận có thể áp dụng cho xe mua từ dự án có vốn ngân sách và được trợ giá. Đối với xe do chủ xe tự đầu tư và chạy tuyến không có trợ giá thì nên để chủ xe, HTX trực tiếp thỏa thuận, ký hợp đồng với các công ty quảng cáo và hưởng lợi nhuận từ các hợp đồng đó.
Xe buýt TP.HCM (trái) không được quảng cáo và xe buýt Đồng Nai (phải) được quảng cáo tại Bến xe Biên Hòa. Ảnh: LƯU ĐỨC |
Xe buýt các tỉnh quảng cáo thoải mái Trên các tuyến liền kề từ TP.HCM đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và ngược lại rất dễ dàng bắt gặp nhiều xe buýt quảng cáo cho nhiều thương hiệu lớn. Tại Đồng Nai, không chỉ xe buýt mang biển số của tỉnh này mà cả xe của TP.HCM chạy trên các tuyến thuộc tỉnh đều được phép quảng cáo. “Xe chạy trên tuyến có trợ giá hoặc không trợ giá đều được quảng cáo. Tỉnh không thu một đồng nào của xã viên, HTX, doanh nghiệp hoạt động xe buýt ngoài thuế mà doanh nghiệp quảng cáo phải đóng theo quy định” - ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai nói. |
Bình luận (0)