Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ ngày 16-4 về vụ nhập khẩu 24.000 con rùa tai đỏ (40 tấn) tại Công ty Cổ phần Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Báo NLĐ cùng ngày đã thông tin), GS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường - Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, đánh giá đây là một hành động thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường sinh thái của đất nước.
Rùa tai đỏ. Ảnh: Wikipedia
“Khoa học thế giới đã xếp rùa tai đỏ vào danh sách 100 động vật xâm hại nguy hiểm bậc nhất, vậy mà không hiểu sao ta lại tiếp nhận dễ dãi như vậy. Lẽ ra trước khi nhập về một loài sinh vật ngoại lai, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, hiểu rõ tính chất, đặc điểm của nó và được sự cho phép của Bộ Tài nguyên - Môi trường” - GS Lê Huy Bá nói. Rùa tai đỏ tên khoa học là Trachemys Scripta, có hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt, xuất xứ từ thung lũng Mississippi - Bắc Mỹ, xuất hiện tại VN khoảng 10 năm trở lại đây. Loài này khi mới sinh ra chỉ dài khoảng 2 cm, lúc trưởng thành đạt đến 25 cm, có thể sống từ 50 -70 năm, được xếp hạng 1 trong số 206 động vật xâm hại môi trường.
Theo ông, những bài học đắt giá tương tự vẫn chưa được rút ra. Giữa lúc nhiều nơi vất vả đối phó với sự tấn công của các loại động, thực vật du nhập như ốc bươu vàng, bèo tây, cây mai dương, cá hoàng đế..., với việc nhập rùa tai đỏ này, bài học cũ đã lặp lại. Mục đích ban đầu của việc nhập khẩu là do lợi nhuận từ con - cây giống, người ta không tính đến hậu quả lâu dài.
(Theo Wikipedia)
Sự phá hoại của những động, thực vật trên khá nghiêm trọng nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì chưa thấy cơ quan nào xét đến. GS Lê Huy Bá cho biết với khả năng sống dai và dễ thích nghi môi trường mới, một khi rùa tai đỏ sinh sản, phát tán ra môi trường theo nguồn nước thì rất khó để đối phó và kiểm soát chúng, bởi kênh rạch ở ĐBSCL dày đặc và chằng chịt.
Những năm gần đây, rùa tai đỏ được bày bán công khai trên đường phố Hà Nội và TPHCM. Các trang web sinh vật cảnh và rao vặt cũng đầy rẫy thông tin về loài này. Việc nhiều người dân chuyển qua dùng rùa tai đỏ con để làm vật phóng sinh cũng sẽ tạo điều kiện cho chúng phát tán nhanh chóng, đe dọa sự tồn vong của nhiều loại thủy sinh, bán thủy sinh bản địa hiện hữu. Dù vậy, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một khuyến cáo hay biện pháp ngăn chặn nào đối với nguy cơ bùng phát giống rùa tai đỏ trong môi trường.
Theo nguồn tin riêng của Báo NLĐ, số 40 tấn rùa tai đỏ nói trên được nhập khẩu theo giấy phép số 184/NTTS-GP của Cục Nuôi trồng thủy sản, ban hành ngày 5-3-2010. Ngày 7-4-2010, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản yêu cầu cơ quan Thú y vùng VII phối hợp Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long tổ chức rà soát lại số lượng, cách ly, kiểm dịch và giám sát chặt chẽ đối với 40 tấn rùa tai đỏ tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.
Cục Thú y đề nghị Công ty Cổ phần Nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ không được để cá thể nào trong số rùa trên lọt ra bên ngoài, đồng thời phải sử dụng đúng mục đích chế biến thực phẩm.
Chôn 5 tấn rùa chết Một đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường (PC 36) Công an tỉnh Vĩnh Long ngày 16-4 cho biết tính đến thời điểm này, số rùa chết đã lên đến 5 tấn. Trước tình hình trên, PC36 Công an Vĩnh Long đã yêu cầu đơn vị sở hữu đem chôn để tránh gây ô nhiễm môi trường. Số rùa còn lại đã được thả xuống ao nuôi nhằm chế biến thực phẩm. Cùng ngày, đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, cho biết đã chỉ đạo PC 36 Công an tỉnh Vĩnh Long kiểm tra điều kiện nuôi nhốt rùa tai đỏ tại địa điểm nói trên... |
Bình luận (0)