Đường ống dẫn khí hóa lỏng LPG từ nhà máy Dinh Cố về kho cảng Thị Vải là một trong những công trình cực kỳ quan trọng của ngành dầu khí do Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ (gọi tắt là Công ty Đông Nam Bộ) quản lý. Tuyến đường ống này chạy dưới mặt đất và có gần 2 km được chôn ngầm băng ngang sông Mỏ Nhát, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ năm 2004 đến nay, tình trạng hút cát lậu lan tràn đã liên tục đe dọa công trình an ninh quốc gia này.
Thảm họa chực chờ
Cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần tung lực lượng ngăn chặn, xử lý “sa tặc” trên sông Mỏ Nhát và nạn khai thác cát lậu đã tạm lắng một thời gian. Tuy nhiên, cuối tháng 8-2009 vừa qua, Công ty Đông Nam Bộ lại phát hiện số lượng lớn ghe, tàu vẫn âm thầm vào “ăn hàng” trong khu vực hành lang đường ống LPG ở sông Mỏ Nhát.
Theo các trinh sát Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đối phó với cơ quan chức năng, “sa tặc” chọn thời điểm hoạt động khi chạng vạng tối đến rạng sáng hôm sau. “Với số phương tiện khá lớn được huy động vào hút cát đã gây nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng cho hệ thống đường ống dẫn khí được chôn ngầm trên sông Mỏ Nhát.
Toàn bộ phương tiện hút cát lậu của các "sa tặc" sông Mỏ Nhát đang bị tạm giữ chờ xử lý. Ảnh: C.T.V
Không thể lường hết những thiệt hại nếu các thiết bị hút cát hoặc neo tàu va vào đường ống dẫn khí - sẽ gây móp méo hoặc rò rỉ khí. Chưa kể trường hợp cát bao phủ trên bề mặt ống dẫn khí bị hút hết, các phương tiện khác va phải cũng có thể gây rò rỉ khí và rất dễ gây cháy nổ... Ngày nào còn “sa tặc” hoạt động ở đây, thảm họa còn chực chờ” - một cán bộ ngành dầu khí bức xúc.
Trước tình trạng này, đầu tháng 9-2009, ông Lê Hùng Kim, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Nam Bộ, đã nhờ BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu ngăn chặn khẩn cấp nạn ““sa tặc”” trên sông Mỏ Nhát.
Tóm gọn 50 “sa tặc”
Ông Phạm Trung Thành, Phó Phòng An toàn bảo vệ Công ty Đông Nam Bộ, cho biết BĐBP cửa khẩu cảng Vũng Tàu cùng công ty đã tổ chức đợt truy bắt “sa tặc” vào đêm 3-9. Đúng 20 giờ ngày 3-9, lực lượng chức năng gồm 43 người đi trên 4 ca nô trang bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ đã xuất phát từ cảng Interflour. Do trời tối lại không có phao dẫn đường, lực lượng chức năng rất vất vả mới tiếp cận được các phương tiện khai thác cát trái phép.
Một cán bộ Công ty Đông Nam Bộ kể lại: Do địa bàn phức tạp và có nhiều ngõ ngách rất dễ cho “sa tặc” tháo chạy, lực lượng chức năng chọn phương án tiếp cận bất ngờ. Khi lực lượng chức năng ập tới, các “sa tặc” đã chống trả quyết liệt. Vòi hút cát trên các phương tiện khai thác nhanh chóng bị “sa tặc” cắt bỏ, cát hút lên cũng được trút vội vã trở lại lòng sông và 11 phương tiện đồng loạt nhổ neo tháo chạy.
Lực lượng chức năng phải bắn súng chỉ thiên mới trấn áp được các “sa tặc”. Mãi đến 10 giờ sáng hôm sau, toàn bộ nhóm “sa tặc” 50 người cùng 11 ghe, tàu với đầy đủ thiết bị bơm hút cát mới được đưa về điểm tạm giữ tại cảng Hà Lộc, TP Vũng Tàu chờ xử lý.
Chủ của 11 phương tiện khai thác cát đe dọa đường ống LPG không xuất trình được giấy phép khai thác, không có cả bằng lái và giấy tờ tùy thân. Hầu hết các chủ phương tiện đều ở tỉnh Long An lên làm thuê cho các nhà thầu. Họ cho biết được Trần Xuân T., ngụ tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, thuê hút cát tại sông Mỏ Nhát đổ vào 2 sà lan vận chuyển đến cảng Cái Mép để san lấp mặt bằng.
Sau đợt truy bắt “sa tặc”, tình hình khai thác cát lậu trên sông Mỏ Nhát đoạn có đường ống LPG đã tạm yên ắng. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo ngại rằng nếu cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, “sa tặc” sẽ hoành hành trở lại như trước đây và tiếp tục đe dọa công trình quốc gia này.
Bơm hút cát gây ô nhiễm nguồn nước Ngày 15-9, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm tra các sà lan bơm hút cát gây ô nhiễm nguồn nước làm tôm, cá của 16 hộ nuôi trồng thủy sản tại rạch Bến Đình, TP Vũng Tàu chết hàng loạt. Đoàn đã lập biên bản xử phạt 3 sà lan, tạm giữ một sà lan vi phạm. Trước đó, ngày 14-9, trên luồng sông Dinh (đoạn cảng hạ lưu PTSC, phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu), đoàn kiểm tra cũng lập biên bản tạm giữ 2 phương tiện vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa. |
Bình luận (0)