Sau khi Báo NLĐ ngày 11-8 đăng phóng sự: “CSGT Tiền Giang “làm luật”, để tiếp tục thông tin đến bạn đọc, cùng ngày phóng viên Báo NLĐ làm việc với lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang để xác định mức độ sai phạm cũng như hướng xử lý đối với nhóm CSGT chặn xe tải không đúng quy trình và có dấu hiệu tiêu cực.
Đã xác định danh tính nhóm CSGT
Trung tá Lê Hoàng Tiến, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang, khẳng định: Ngay sau khi đọc báo, Ban Chỉ huy phòng đã có cuộc họp khẩn, xác định những hình ảnh mà Báo NLĐ đăng các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trong hai ngày 3 và 4-8 tại khu vực xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành là không đúng quy trình. Còn việc tài xế, chủ phương tiện có dấm dúi tiền bạc hay không thì cần có thời gian làm rõ. Theo quy định, khi chặn dừng phương tiện, người kiểm soát không được đứng sau đuôi xe mà phải đứng bên lề phải phía trước đầu xe để kiểm soát giấy tờ, phương tiện và lập biên bản vi phạm hành chính nếu phương tiện đó có vi phạm. Việc này phải được minh bạch trước mắt mọi người tham gia giao thông trên đường.
Từ trên xuống: Sau một lúc chặn xe, hai CSGT vào đứng cạnh cột đèn. Một CSGT thò tay vào túi quần lôi ra một xấp “giấy” và nhét vào thắt lưng của một CSGT đứng kế bên
Dự kiến sáng nay, 12-8, tại TPHCM, Cục CSGT đường bộ phía |
Cần làm rõ việc “chung chi”
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo NLĐ: Đối với xe lưu thông bình thường, không có dấu hiệu vi phạm, CSGT có được chặn dừng đột ngột hay không? Trung tá Lê Hoàng Tiến cho biết theo quy định, CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường được phép chặn dừng để kiểm soát bất kỳ phương tiện nào đang lưu thông. Song phải thực hiện đúng quy trình là phải kiểm soát, ghi vào sổ nhật ký tuần tra số xe bị chặn dừng, thời điểm tiến hành kiểm soát và phải bảo đảm không để xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ do việc chặn dừng phương tiện để kiểm soát. Phóng viên đặt câu hỏi tiếp: Nhưng thực tế cho thấy khi chặn dừng xe, các CSGT không kiểm soát, không ghi vào sổ nhật ký tuần tra? Trung tá Tiến cho biết: “Việc này chúng tôi đang cho kiểm tra lại thật chính xác, nếu đúng như báo phản ánh thì chúng tôi sẽ chấn chỉnh, xử lý ngay!”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, hầu hết những số xe được ghi hình đã không được ghi vào nhật ký tuần tra. Có thể nói đây là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao có rất nhiều xe bị chặn dừng trong thời điểm đó nhưng không bị lập biên bản, phải chăng là có tiêu cực? Đây là vấn đề dư luận đang chờ lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang làm rõ.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây tuyến Quốc lộ 1A từ cầu Tân Hương (huyện Châu Thành) đến chân cầu Mỹ Thuận (huyện Cái Bè) được giao cho trạm tuần tra kiểm soát giao thông Trung Lương đảm nhiệm. Hơn một năm trở lại đây, tuyến này được phân khúc để kiểm soát. Trạm Trung Lương chỉ được kiểm soát từ chân cầu Mỹ Thuận đến cầu Long Định và ngược lại. Còn đoạn từ cầu Long Định đến cầu Tân Hương do đội tuần tra kiểm soát trực thuộc Ban Chỉ huy Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh quản lý. Việc phân khúc kiểm soát này thường xảy ra hiện tượng chồng lấn lên nhau. Do vậy hiệu quả việc chặn dừng xử lý phương tiện giao thông vi phạm kém hơn so với trước và dễ xảy ra tiêu cực.
Đại úy Nguyễn Văn Tuấn đã từng bị kỷ luật Đây không phải lần đầu phóng viên Báo NLĐ phát hiện sai phạm của CSGT tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, trước đây khi còn mang cấp bậc thượng úy, đại úy Nguyễn Văn Tuấn (một trong 6 CSGT được phản ánh trong phóng sự “CSGT Tiền Giang “làm luật”) khi còn mang cấp bậc thượng úy đã từng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì đã để cho hai cán bộ thuộc quyền của mình là Nguyễn Văn Huy, nguyên trung sĩ, cán bộ đội tuần tra xử lý và Phạm Minh Thuận, nguyên cán bộ đội tham mưu tổng hợp, đánh cắp hồ sơ xử lý vi phạm an toàn giao thông để “bán” với giá 10 triệu đồng. Sau vụ việc này, hai cán bộ của đại úy Tuấn đã bị khởi tố nhưng đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa thấy đưa ra xét xử. |
Chung tiền là qua hết Tỉnh Tiền Giang là cầu nối quan trọng về giao thông giữa TPHCM với các tỉnh miền Tây. Hầu hết các xe tải qua lại trên tuyến đường này ít nhiều đều chở quá tải trọng. Thế nhưng theo các chủ xe, chỉ có ai không biết chung chi tiền hằng tháng cho CSGT thì mới bị “vịn”. 12 phút ghi hình của phóng viên Báo NLĐ với gần 20 xe bị thổi còi là những xe vãng lai, thỉnh thoảng mới chạy một chuyến. Thực tế, chủ xe chuyên chạy tuyến đường này đã phải “mua đường” để được “yên ổn”. Nếu không, sẽ chẳng có xe nào lọt qua được mắt của CSGT. Nguyễn Chiến Thắng (tỉnh Tiền Giang)
Mỗi khi bị CSGT thổi lại, việc đầu tiên của người tài xế là phải biết lỗi của mình đến đâu thì chung tiền đến đó. Nếu ai đứng năn nỉ sẽ bị đội tiền lên cao hơn và bị giữ phương tiện rất phiền toái. Vì vậy sẽ chẳng có ai dám cãi lời CSGT. Theo quy định của Bộ Công an, CSGT phải đứng trước đầu xe vi phạm để lập biên bản nhưng thực tế có nhiều CSGT không thực hiện quy định này. Rõ ràng, quy định của ngành công an là có nhưng có mấy ai giám sát, kiểm tra việc thực hiện nên nhiều CSGT lộng hành. Nguyễn Văn Huy (tỉnh Vĩnh Long)
Lâu nay báo chí phản ánh nhiều về tình trạng CSGT “làm tiền”. CSGT cũng ngày càng tinh vi hơn trong việc “làm tiền”, đến cả camera ghi hình cũng đành “bó tay”. Đã đến lúc cả xã hội cùng chung tay loại bỏ hành vi tiêu cực này. Muốn vậy, trước hết chính những cán bộ trong ngành công an phải nhìn nhận nó như một vấn nạn cần phải dẹp bỏ ngay khỏi đời sống xã hội. Cần loại bỏ những CSGT không đủ phẩm chất đạo đức, song song đó phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng cho họ. Khi đó mới hy vọng hết nạn chặn xe “làm tiền”. Mai Huy Hoàng (TPHCM) |
Bình luận (0)