Chưa bao giờ tình hình mua bán nhà, đất tại TPHCM lại gặp khó như hiện nay, sau khi những thông tin về việc áp thuế cho các trường hợp mua bán nhà, đất theo dạng “lúa non” thông qua hình thức hợp đồng như: góp vốn, hứa mua - hứa bán, quyền mua căn hộ - nền đất... Có lẽ vì vậy, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu việc “xả hàng” để tránh khoản thuế này, kéo theo giá nhà, đất giảm xuống so với các tháng đầu năm 2009.
“Đầu kéo” chứng khoán chưa đủ lực!
Hiện VN-Index trụ vững trên ngưỡng 580 điểm, khiến nhiều nhà đầu tư thật sự yên tâm, dù trong số đó không ít người đã hiện thực hóa lợi nhuận và chuyển một phần vốn đầu tư vào bất động sản (BĐS) nhằm đón đầu xu hướng ấm dần lên của thị trường nhà, đất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều người lại không tin rằng lần này “đầu kéo” chứng khoán có thể đủ lực để kéo thị trường BĐS ra khỏi sự suy thoái, do niềm tin của khách hàng về khoản lợi nhuận đầu tư sẽ có vào BĐS đang mất dần bởi ngày 26-9 tới đây, ngành thuế sẽ vẫn áp dụng thuế thu nhập cá nhân từ BĐS.
Hiện “điểm sáng” về hoạt động giao dịch, mua bán mà chúng tôi ghi nhận được gần như duy nhất trên thị trường BĐS là việc nhiều khách hàng đến tìm hiểu và đặt cọc mua căn hộ tại dự án khu căn hộ cao cấp Chánh Hưng (quận 8), do Công ty Cổ phần Giai Việt làm chủ đầu tư. Dù giá bán mỗi căn hộ trung bình từ 2,5 tỉ đồng đến 3,2 tỉ đồng, song phần lớn đã có chủ. Một khách hàng cho rằng do dự án nằm vị trí khá đẹp ở mặt tiền đường Tạ Quang Bửu, đồng thời đầu tư mua căn hộ với giá gốc nên không ngại về các khoản thuế.
Thị trường nhà đất ở TPHCM đang gặp khủng hoảng về sức mua, trong khi lượng căn hộ đưa ra ngày càng nhiều. Ảnh: T.THẠNH
Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, trong giai đoạn hiện tại, đầu tư vào chứng khoán vẫn có lợi thế hơn so với đầu tư vào BĐS. Thứ nhất, trong năm 2009, đầu tư chứng khoán chưa phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi đó nếu đầu tư vào BĐS, từ ngày 26-9, nhà đầu tư sẽ phải chịu khoản thuế này. Thứ hai, đầu tư vào chứng khoán không bắt buộc nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn, thanh khoản lại khá tốt trong thời điểm hiện tại; điều này ngược lại với thị trường BĐS - vốn thường chỉ dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực.
Bao giờ trở lại thời hoàng kim?
Theo cuộc khảo sát BĐS Việt Nam 2009 và triển vọng 2010 của nhóm nghiên cứu Vietnam Report công bố ngày 22-9, thị trường BĐS Việt
Dự báo này đưa ra dựa vào chu kỳ của các đợt bùng nổ của thị trường BĐS thường cách nhau từ 5-6 năm (các đợt 1995 - 2002 - 2007). Do vậy, chu kỳ tăng sức mua, giá nhà, đất sắp tới của thị trường ít có khả năng khởi đầu trong năm 2009, mà sẽ rơi vào năm 2011 hoặc 2012. Tại Hà Nội và TPHCM, 61,5% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua BĐS phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ở của gia đình. Với mục đích đầu tư kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn chỉ có 11,5% và cho mục đích đầu tư dài hạn chiếm gần 27% trong số người tham gia cuộc điều tra...
Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2008, TP thu hút 3 tỉ USD vốn FDI vào thị trường BĐS. Đến nay thị trường này đã sụt giảm mạnh do không tìm được dòng vốn ổn định tiếp sức. Cuối năm 2008 đến nay, số lượng giao dịch chuyển nhượng nhà, đất có đăng ký nộp thuế giảm so với cùng kỳ năm 2007, tỉ lệ sụt giảm phần lớn rơi vào khu vực dự án đầu tư xây dựng nhà riêng lẻ, căn hộ chung cư.
Do ngân hàng có chủ trương giới hạn cho vay thế chấp nhà, đất nên tỉ lệ hồ sơ giao dịch thế chấp BĐS giảm nhiều. Ông Kiệt còn cho rằng doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức khi suy giảm kinh tế toàn cầu còn tiếp tục trong thời gian nữa.
Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng đột biến Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm chỉ thu hút 1,87 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 28 dự án cấp phép mới và 2 dự án tăng vốn bổ sung vào lĩnh vực BĐS. Nhưng trong tháng 9, chỉ thêm một dự án lớn được cấp phép có tổng vốn đầu tư lên tới 1,7 tỉ USD đã đưa số vốn FDI vào lĩnh vực này tăng đột biến. Đó là dự án của nhà đầu tư Đài Loan - Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Phú Thăng Long tại Bình Dương. Quy mô vốn của một dự án mới này đã xấp xỉ tổng vốn đăng ký của cả 28 dự án trước đó. Như vậy, cộng cả vốn tăng thêm của các dự án cũ xin bổ sung vốn, lĩnh vực BĐS đã thu hút được 3,65 tỉ USD. N.Trần |
Bình luận (0)