Hoàn thành 18/20 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội trong năm 2009 - dù không “chạm đích” nhưng kết quả này được xem là nỗ lực rất lớn của chính quyền và lãnh đạo TPHCM.
Để thúc đẩy kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới, nhiều chương trình và biện pháp đột phá được TP đưa ra để thực hiện trong năm 2010.
GDP tăng từ 10% trở lên
Năm 2010, có 22 chỉ tiêu kinh tế – xã hội TPHCM phải thực hiện. Các chỉ tiêu quan trọng như tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên địa bàn tăng từ 10% trở lên; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội dự kiến là 172.000 tỉ đồng (bằng 41,8% GDP); thu ngân sách trên địa bàn phải đạt 144.200 tỉ đồng (tăng 17,88% so với dự toán năm 2009); số lao động được giải quyết việc làm là 270.000, lao động được tạo việc làm mới là 120.000; số người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng là 482 triệu lượt...
Bên cạnh đó, mục tiêu chủ yếu được TP đặt ra là tiếp tục thực hiện đầu tư theo quy hoạch các khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Nam TP, khu đô thị mới Tây Bắc Củ Chi, Khu Công nghệ cao, các KCN-KCX.
Tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được chỉnh trang trong năm 2010. Ảnh: T.Thạnh
Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP hiệu quả, chất lượng, bền vững theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; ưu tiên phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ chất lượng cao, hiện đại và 4 ngành công nghiệp công nghệ cao: cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất và chế biến lương thực - thực phẩm có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, không gây ô nhiễm môi trường.
TP cũng đặt quyết tâm tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường. Làm tốt công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi thẩm định các quy hoạch và dự án đầu tư yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường mới được phê duyệt để giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhằm ngăn chặn ô nhiễm.
Tập trung đầu tư cho hạ tầng
Theo UBND TPHCM, trong năm 2010, TP sẽ huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời nghiên cứu, có cơ chế, chính sách thu hút vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.
Trong đó, đầu tư cho hạ tầng giao thông vẫn là lĩnh vực ưu tiên. Những công trình có ý nghĩa quan trọng đối với TP năm 2010 được đầu tư xây dựng, như đường nối đại lộ Đông Tây với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, mở rộng xa lộ Hà Nội, đường vành đai phía Đông nối cầu Rạch Chiếc 2 ra xa lộ Hà Nội (ngã tư Bình Thái), mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ giai đoạn 3, đường ra vào KCN Hiệp Phước, đường vành đai số 3, đường cao tốc liên vùng phía Nam; nút vòng xoay ngã tư Thủ Đức - Võ Văn Ngân, đường ra vào cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu, các tuyến metro số 2, 3, 4, 5, các tuyến Tramway và Monorail, các đường trên cao, đường dọc theo đường sắt cũ trong nội đô, các bãi đậu xe ngầm và trên mặt đất...
TP cũng tập trung đầu tư các khu đô thị, nhà ở cho người thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên, khu lưu trú công nhân. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hệ thống cảng biển và hệ thống giao thông ra vào các cảng cho thông thoáng hơn.
Về phát triển vùng, TPHCM sẽ tập trung đầu tư kết nối, phát triển kết cấu hạ tầng trong mối quan hệ liên kết và liên thông với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL và vùng Tây Nguyên.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng để thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Thị Vải.
Giảm nghèo theo tiêu chí mới, xã hội hóa y tế Về lĩnh vực xã hội, năm 2010, TP phấn đấu giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, lang thang, lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
|
Bình luận (0)