“Để chống ngập, giải pháp hiện nay của TP là thoát nước mưa càng nhanh càng tốt. Nhưng nước mưa là nguồn tài nguyên vô giá, chúng có tác dụng làm sạch môi trường, sử dụng cho sinh hoạt, tưới tiêu, bổ cập nước ngầm. Do đó chúng ta phải tìm cách giữ nước mưa lại. Đây là cách chống ngập bền vững mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã làm”- PGS.TS Đoàn Cảnh, Viện Sinh học nhiệt đới, tha thiết. Nhiều người lo ngại nếu không tìm cách thoát nhanh nước mưa thì TP sẽ ngập nặng hơn? PGS.TS Đoàn Cảnh cho rằng nếu TP có nhiều hồ điều tiết để giữ nước mưa lại thì sẽ góp phần giảm ngập mưa nội thị. Trong các hội thảo về chống ngập trước đây, thạc sĩ Hồ Long Phi, Phó Ban Điều phối chống ngập của TP và nhiều nhà khoa học trong ngành thoát nước cũng đồng tình với phương án đối với các công trình xây dựng lớn, TP nên dành 1%-3% đất để xây dựng hồ điều tiết chống ngập. “Vấn đề làm hồ điều tiết khi được đưa ra tại các cuộc họp, các nhà quy hoạch, lãnh đạo Sở GTCC đều nhất trí nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy triển khai” - PGS-TS Đoàn Cảnh nói. PGS-TS Nguyễn Văn Điềm, Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng đối với các vùng cao nếu không có hồ điều tiết thì nước sẽ dồn về gây ngập vùng thấp. Trường hợp hệ thống thoát nước ở vùng cao quá tải, khi mưa lớn gặp lúc triều cường nước cũng sẽ bị ứ lại gây ngập.
“Việc phát triển xây dựng ở các khu đất cao như vùng Hóc Môn, Thủ Đức sẽ tăng nguy cơ ngập cho vùng thấp ở hạ lưu nên cần phải cải tạo kênh rạch ở các vùng này. Cần ban hành các quy định để nhà đầu tư xây dựng phải xây hồ điều tiết tại chỗ với trữ lượng yêu cầu ước tính khoảng 17.000 m3 nước đến 19.000 m3 nước/km2”. Đây cũng là yêu cầu của JICA khi thực hiện quy hoạch thoát nước cho TP. Thế nhưng trao đổi với phóng viên Báo NLĐ, một số quận-huyện cho biết đến nay vẫn chưa biết gì về việc quy hoạch xây hồ điều tiết và cũng chưa bố trí đất xây dựng hồ điều tiết.
Hồ Hoàng Văn Thụ đã góp phần giảm ngập Sau những cơn mưa vừa qua, khu vực quanh Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình - TPHCM) đã hết ngập. Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 (Sở GTCC), nguyên nhân là do các các tuyến cống thoát nước ở khu vực trên đã được đấu nối vào hồ chứa trong Công viên Hoàng Văn Thụ. Sau thời gian xảy ra mưa lớn, mực nước mưa chảy vào hồ Hoàng Văn Thụ đo từ đáy lên khoảng 1 m. Theo ước tính, nếu mực nước đo từ đáy lên mặt nước khoảng 5 m thì hồ chứa được 16.000 m3 nước, góp phần giảm ngập đáng kể cho khu vực. |
Bình luận (0)