Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, từ đầu năm đến nay đã kiểm tra, phát hiện 269 vị trí của hệ thống thoát nước bị xâm hại gây ngập.
Cụ thể các vị trí này đã bị nhà thầu trong quá trình thi công “lô cốt” bơm nước có lẫn bùn đất, bê tông vào các hố ga, phá cống băng hiện hữu hoặc chặn dòng các cửa xả làm hạn chế dòng thoát nước và gây ngập.
Sự bê bối này của nhà thầu khiến các khu vực như bến Mễ Cốc (Q.8), Châu Văn Liêm (Q.5)... xuất hiện thêm nhiều điểm ngập nặng.
Đó là chưa kể vừa qua, hàng loạt hộ dân ngụ tại các hẻm trên đường Lê Văn Sỹ và Trần Quang Diệu (Q.3) đã bị ngập nặng suốt 3 ngày liền do nhà thầu thi công dự án Vệ sinh môi trường đã làm tắc cống thoát nước của khu vực này.
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước (Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM), tình trạng thi công bê bối gây ngập nước đã được trung tâm phát hiện và chấn chỉnh từ đầu năm 2009 nhưng sau đó các nhà thầu vẫn liên tục vi phạm. Hiện trung tâm đã chỉ đạo xử lý, khắc phục 249 vị trí và đang đôn đốc khắc phục 20 vị trí còn lại.
5 năm và hàng trăm triệu USD đã chi cho các dự án thoát nước
nhưng hiệu quả chống ngập vẫn chưa thấy - Ảnh: Diệp Đức Minh
Ì ạch thi công
“Bất luận thế nào, trong xây dựng đô thị, chống ngập cho TP.HCM, đặc biệt là vùng đông, nam và tây nam, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm, Hiệp Phước, Nhà Bè... phải tính đến yếu tố nước biển dâng” - GS-TSKH Lê Huy Bá |
Theo đúng kế hoạch, đáng lẽ các dự án thoát nước trên địa bàn TP.HCM phải đưa vào hoạt động từ lâu, song đến nay vẫn chưa thể kết nối và vận hành đồng bộ.
Trong đó, dự án Vệ sinh môi trường (chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, gồm các quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình) phải xong từ năm 2008, nhưng cứ lần lượt gia hạn và đến nay vẫn chưa thể biết chính xác ngày “về đích”.
Đây là dự án có số lượng lớn “lô cốt” rào chắn ở khu trung tâm suốt nhiều năm qua, song đến nay công tác lắp đặt cống thoát nước mưa mới đạt 95%, và đang phải tiếp tục dựng “lô cốt” trở lại trên nhiều tuyến đường để đấu nối cống trục chính với cống băng ngang đường.
Gói thầu số 10 nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm thông thoáng cửa xả, tăng dung tích chứa nước trong kênh chỉ đạt 66%. Riêng gói thầu xây trạm bơm đã hoàn tất nhưng đành “trùm mền” chờ hệ thống thu gom nước hoàn thành đồng bộ.
Ì ạch không kém là dự án Cải thiện môi trường nước (chống ngập cho 7 quận, huyện thuộc lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, gồm 1, 3, 5, 8, 10, 11 và Bình Chánh) vẫn còn một khối lượng công việc rất lớn, đáng ra phải xong toàn bộ dự án từ 2 năm trước.
Tương tự, dự án Nâng cấp đô thị (chống ngập cho 9 quận thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm), dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tiểu dự án thuộc lưu vực rạch Hàng Bàng... vẫn đang trong quá trình triển khai nên chưa thể phát huy được hiệu quả chống ngập trên thực tế.
Nguy cơ lạc hậu
Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Đỗ Tấn Long hy vọng các dự án thoát nước kể trên sẽ kịp hoàn thành trong năm 2011 - 2012, có thể giảm được 90% các điểm ngập úng trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, thạc sĩ Hồ Long Phi (Đại học Bách khoa TP.HCM) - Phó ban điều phối chương trình ngập nước - lại cho rằng, nếu cả 4 dự án chống ngập lớn hoàn thành trong 5 năm tới, dự báo cũng chỉ giảm được 50% số lượng điểm ngập.
Lý do, theo ông Phi, là lượng mưa tăng bất thường trong 20 năm trở lại đây đã làm hệ thống cống thoát nước đang xây dựng bị quá tải, vì được thiết kế cho những cơn mưa có vũ lượng dưới 93 mm.
Thực tế những năm gần đây, những cơn mưa có vũ lượng trên 93 mm xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí đã xuất hiện mưa lên đến 140 - 160 mm, và có thể đạt 200 mm trong tương lai cùng với biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, hầu hết các dự án thoát nước đều lấy các dữ liệu về cường độ mưa, triều cường từ những năm 1990 - thời điểm mà biến đổi khí hậu chưa tác động nhiều - nên khả năng chống ngập sẽ không thể được như kỳ vọng.
Chẳng hạn, dự án Vệ sinh môi trường nạo vét lưu vực rộng 3.500 ha của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dù tổng vốn trên 350 triệu USD nhưng ngay cả khi dự án hoàn thành đúng tiến độ thì diện tích vùng ngập vẫn còn đến 900 ha nếu trời mưa to và kéo dài.
Ngập “chạy” ra ngoại thành
Theo thạc sĩ Hồ Long Phi, dù số trận mưa xuất hiện và số trận mưa gây ngập trong năm nay tăng cao so với năm ngoái, nhưng tổng điểm ngập và tổng số lần ngập trong khu vực trung tâm đã giảm khoảng 20% so với các năm trước.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là các con số này lại đang tăng nhanh ở các quận mới phát triển. Cụ thể, tình trạng ngập ở những khu vực bắt đầu đô thị hóa mạnh như Q.7, 12, Bình Chánh, Thủ Đức... đang trở nên nghiêm trọng.
Lý giải tình trạng này, GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện Khoa học - Công nghệ - Quản lý môi trường - ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, TP.HCM là “đô thị bán ngập triều”, trong đó hướng thoát lũ chính là từ hướng bắc, tây bắc, đông bắc xuống hướng nam, đông nam và tây nam.
Vì vậy, càng mở rộng đô thị hiện đại ở vùng phía nam như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh... đồng nghĩa với TP đang tự chặn đường thoát nước của chính mình, và như vậy tình trạng ngập lụt nặng nề là tất yếu.
Theo ông Bá, việc phát triển đô thị kiểu xây nhà cao tầng ở những khu vực quá thấp, trũng, đất không nền như vùng nam, tây nam TP sẽ khiến ngập nước thêm trầm trọng.
Bởi các vùng trũng này vốn là bãi lầy, tầng sâu 30 - 40m, có nhiệm vụ hứng nước từ vùng cao, nên khi bị đô thị hóa sẽ chặn lối thoát nước của các vùng lân cận và chính nó, gây ngập trên diện rộng.
Bình luận (0)