Liên quan đến việc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tung Kuang (Công ty Tung Kuang của Đài Loan) bị bắt quả tang khi xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Ghẽ (xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương - Báo NLĐ ngày 16-4 đã phản ánh), theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2008, công ty này đã từng bị Thanh tra Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) phạt 105 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Nếu tính từ khi doanh nghiệp này hoạt động đến nay đã 5-6 năm, lượng chất độc thải ra sông là rất lớn.
Cảnh sát Môi trường đang khai quật đường ống ngầm của Công ty Tung Kuang
Hậu quả khó lường
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, trong quy trình sản xuất nhôm của Công ty Tung Kuang có phần sơn, nhuộm, đây là công đoạn sử dụng nhiều chất hóa học, gây độc hại đến môi trường và con người. Do đó, ông Côn cho rằng các cơ quan chức năng phải yêu cầu Công ty Tung Kuang cung cấp toàn bộ quy trình, các chất hóa học dùng trong sản xuất để biết rõ hơn mức độ đầu độc của công ty này với môi trường.
Trung tá Lê Quang Đồng, Phó Phòng 2 Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C36), cho biết bể chứa thu gom nước thải của Công ty Tung Kuang có thể tích khoảng 500 m3, được bơm thường xuyên qua hệ thống đường ống ngầm, thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại như chrome 6, mangan, sắt... với nồng độ vượt quy định nhiều lần.
Theo TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và môi trường, chrome 6 là chất độc nhất trong các kim loại. Trước việc cá ở sông lao vào bờ và chết khi Tung Kuang xả nước thải, ông Nhuệ cho rằng mức độ ô nhiễm như thế đã thuộc loại cao. Bên cạnh đó, người dân dùng nước giếng khoan có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo NLĐ tại nhà bà Trần Thị Gia (xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Giàng), nằm sát Công ty Tung Kuang, cho thấy dù bà Gia đã làm bể lọc nước giếng khoan tới 3 tầng nhưng nước vẫn đục ngầu, có màu vàng. “Nước giếng dù lọc rồi vẫn có mùi tanh khó chịu. Trước khi Tung Kuang làm nhà máy không có chuyện này” - bà Gia nói.
Có thể đình chỉ hoạt động
Việc Công ty Tung Kuang bị C36 bắt quả tang khi xả nước độc ra môi trường khiến cả Phòng TN-MT huyện Cẩm Giàng lẫn Sở TN-MT tỉnh Hải Dương ngạc nhiên, song với người dân sống bên cạnh nhà máy thì đó là kết quả tất yếu.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao sau 5-6 năm Tung Kuang hoạt động, chuyện này mới được phát hiện? Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hải Dương, cho rằng theo phản ánh của người dân, từ năm 2008 tới nay, thanh tra đã thấy có hiện tượng xả thải ra sông song vẫn không phát hiện được.
Thủ đoạn của Tung Kuang rất tinh vi. Ông ngầm chôn sâu 3 m nên rất khó phát hiện. Công ty này lại chủ yếu xả thải vào ban đêm. Khi đoàn thanh tra xuống kiểm tra, hệ thống máy móc xử lý nước thải vẫn vận hành tốt.
Về việc xác định hậu quả cũng như mức độ thiệt hại, ông Lộc cho biết Cảnh sát Môi trường sẽ làm việc với UBND tỉnh Hải Dương, Sở TN-MT để có kết quả cụ thể.
Cũng theo ông Lộc, Sở TN-MT đang có báo cáo cho UBND tỉnh về vấn đề của Tung Kuang. “Quan điểm của sở là công ty nào gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động”- ông Lộc khẳng định.
Hệ thống ống ngầm tinh vi
Theo TTXVN, nhiều đoạn hệ thống ống ngầm của Công ty Tung Kuang sâu tới gần 3 m. Từ bể chứa nước thải chưa được xử lý, đường ống phi 100 được nối tắt và chôn dưới nền bê tông của khu xử lý nước thải chạy men theo hàng rào, rồi nối thông với đường ống ngầm phi 400. Cả ống nối tắt ở trên và ống lớn đều không có trong sơ đồ hệ thống xử lý nước thải của công ty. Điều đáng lo ngại là nước thải của Công ty Tung Kuang xả ra nằm cách vị trí của Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch số 1 thuộc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hải Dương chỉ hơn 200 m về phía thượng nguồn. Nhà máy nước này hiện lấy nước sông Ghẽ xử lý theo công nghệ lắng lọc, cung cấp nước cho 3.000 hộ dân và cơ quan trong khu vực. |
Bình luận (0)