Hàng trăm hộ dân sống hai bên đường 827A nối liền huyện Châu Thành với thị xã Tân An (Long An) đang khổ sở vì bị chính quyền địa phương vận động hiến đất nâng cấp, mở rộng con đường này. Nói là vận động nhưng người dân không hiến thì phải đối mặt với nguy cơ bị cưỡng chế, giải tỏa trắng.
Không hiến không được!
Ngày 23-6, chúng tôi đến thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tại đây, nhiều người dân than vãn về chuyện chính quyền địa phương vận động hiến đất. Nguyên do là tỉnh Long An đang thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 827A, từ thị xã Tân An đến cầu Thầy Sơn thuộc địa bàn thị trấn Tầm Vu (Châu Thành) dài trên 7 km, nhưng không dự trù kinh phí đền bù giải tỏa.
Ông Lê Phan Trinh, ngụ thị trấn Tầm Vu, bức xúc: “Đầu tháng 6 này, UBND thị trấn Tầm Vu phát cho mỗi người dân một tờ biên bản (in sẵn) kê biên đất dự án nâng cấp, mở rộng đường 827A, trong đó có ghi dòng chữ vận động ông, bà hiến một phần diện tích để thực hiện công trình đường 827A. Nói là vận động nhưng ban vận động luôn thúc ép phải ký tên, giao nộp cho chính quyền địa phương.
Đường 827A khu vực chợ Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành - Long An)
Theo ban vận động, các công trình giao thông do tỉnh thực hiện đều không được bồi thường, do đó người dân không có sự lựa chọn nào khác. Sau nhiều ngày bị vận động, vợ chồng tôi đành ký tên vào biên bản nộp cho chính quyền địa phương, với số diện tích phải hiến là 273 m2 đất cặp lộ, trị giá hàng trăm triệu đồng”.
Vẫn theo ông Trinh, đã có hàng chục hộ dân ở thị trấn Tầm Vu ký tên vào biên bản hiến đất, người ít là vài chục mét, người nhiều lên đến hàng trăm mét vuông đất cặp lộ, ai cũng cảm thấy xót xa nhưng không thể không ký. Có người mới tháng trước mua đất ruộng đóng thuế lên thổ cư tốn hàng chục triệu đồng thì tháng sau phải hiến để làm đường.
Đưa vào sổ “bìa đen”
Tuy nhiên, ở Tầm Vu cũng có nhiều người chưa chịu ký tên hiến đất vì cảm thấy bị thiệt thòi quá lớn. Chẳng hạn như hộ ông Nguyễn Văn Lý, khi ký tên ông nghĩ bị mất vài chục mét vuông nhưng khi nhìn lại biên bản thấy mất đến 203 m2, ông bèn mang đến trả cho ban vận động, đề nghị được bồi thường theo giá nhà nước. Ông Lý cho biết theo giá nhà nước, một mét vuông đất thổ cặp lộ 827A là 1,2 triệu đồng. Nếu hiến thì ông mất khoảng 240 triệu đồng, nhiều hơn tài sản hiện có của ông.
Tại các xã Hiệp Thạnh, Vĩnh Công, Hòa Phú (huyện Châu Thành), chúng tôi ghi nhận nhiều người cũng không chịu ký tên hiến đất. Cũng có người ký tên nhưng ghi thêm dòng chữ “Đề nghị giải tỏa đến đâu, bồi thường đến đó”. Chẳng hạn như hộ ông Võ Văn Hơn (100 m2), Võ Văn Liêm (350 m2), Hồ Văn Tiếu (164 m2)... (xã Vĩnh Công) là những người đòi bồi thường theo quy định hiện hành, nếu không thì họ không giao đất.
Sau nhiều lần vận động không thành, những hộ này bị chính quyền địa phương đưa vào sổ “bìa đen”. Theo một cán bộ trong ban vận động, những người nằm trong sổ “bìa đen” sẽ bị cưỡng chế một khi xã vận động được 85% số hộ có đất nằm trong dự án mở rộng đường 827A. Ông này còn cho biết hiện chính quyền đã đạt được 70% trên tổng số hộ nằm trong diện vận động hiến đất làm đường.
Chính quyền bán, dân phải hiến
Khoảng 66 hộ dân sống bằng nghề mua bán nhỏ khu vực chợ Hòa Phú (xã Hòa Phú) cho biết đất mà họ cất nhà, mở tiệm tạp hóa đều do UBND xã này bán. Do đó, họ kiên quyết không hiến cho dù bị đưa vào sổ “bìa đen”, bị xem là thành phần bất hợp tác. Bà Trần Thị Thu Nguyệt bức xúc nói: “Giải tỏa mà không bồi thường là bức ép dân. Tại sao chính quyền thì được bán đất, còn người dân phải bỏ tiền ra mua rồi lại phải hiến? Tại sao chính quyền không lấy khoản tiền bán đất đó để làm quỹ đền bù cho những người mua đất bị giải tỏa do mở rộng đường 827A?”.
Bà Nguyệt còn cho biết thêm, những người bị thu hồi đất làm đường không được biết dự án nâng cấp, mở rộng đường 827A được triển khai như thế nào, chỉ biết nhận giấy báo hiến đất với diện tích là bao nhiêu mà thôi. Ông Võ Văn Tiệm nói: “Chúng tôi chấp nhận giao đất để làm đường nhưng chủ đầu tư phải bồi thường thỏa đáng. Vì chúng tôi là những người mua đất từ Nhà nước chứ không phải được cấp đất.
Đối với một dự án lớn như thế này mà tỉnh, huyện không đề ra phương án bồi thường, hỗ trợ cho người bị giải tỏa, quả là mất công bằng đối với dân”. Theo người dân ở đây, điều đáng nói, chính quyền xã Hòa Phú bán đất sau thời điểm UBND tỉnh Long An phê duyệt dự án.
Không chỉ có dự án mở rộng tỉnh lộ 827A, mà nhiều tỉnh lộ khác như 827B (Châu Thành), 833 (Tân Trụ) cũng được thực hiện theo phương thức vận động người dân hiến đất nhưng không có bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Huyện nghèo nên mới vận động Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành-Long An, thừa nhận: “Theo quy định hiện hành thì khi thu hồi đất làm đường giao thông phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Nhưng, do huyện Châu Thành còn nghèo nên mới vận động người dân đóng góp một phần diện tích để nâng cấp, mở rộng đường 827A, nối liền tỉnh lỵ. Việc mở rộng đường 827A sẽ tạo cho huyện cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ý nghĩa đó, nó còn góp phần làm giảm tai nạn giao thông”. Ông Danh khẳng định huyện Châu Thành chủ trương kiên trì vận động cho tới khi nào có 100% đồng ý ký tên hiến đất. Đối với những trường hợp bị giải tỏa trắng sẽ được bố trí tái định cư, hỗ trợ việc làm và nhận bồi thường theo quy định hiện hành. Đối với những hộ vừa đóng thuế chuyển mục đích sử dụng (từ nông nghiệp lên đất ở), huyện xin ý kiến tỉnh cho họ hoán đổi diện tích nông nghiệp còn lại thành đất ở mà không phải đóng thuế. |
Bình luận (0)