Sau một năm tìm cách chứng minh thiệt hại do Công ty CP hữu hạn Vedan VN gây ra đối với sông Thị Vải, cơ quan chức năng 3 tỉnh, TP là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), TPHCM đã xác định có 7.037 hộ dân bị thiệt hại với số tiền đòi bồi thường lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thế nhưng, sau nhiều lần “cù cưa” thêm bớt, số tiền mà Vedan đưa ra mới đây chỉ dưới 30 tỉ đồng, tương đương mức công ty này đã đưa ra vào tháng 5-2009 (Đồng Nai 7 tỉ đồng, TPHCM và BR-VT 13 tỉ đồng, 5 tỉ đồng còn lại hỗ trợ quỹ phúc lợi của 3 địa phương này).
Thiếu căn cứ và phỏng đoán
Theo báo cáo vào tháng 10-2009 của Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Đồng Nai, thống kê cho thấy tổng thiệt hại do Vedan gây ra cho nông dân tỉnh này là hơn 1.500 tỉ đồng, nặng hơn so với ở BR-VT và TPHCM.
Ông Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai, cho biết con số thống kê này tương đối chính xác vì đã được Sở TN-MT thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục Môi trường.
Có thể xem đây là cơ sở đòi bồi thường cho nông dân nhưng sắp tới, hội sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho thẩm định lại lần cuối để có con số đòi bồi thường chính xác hơn.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đồng Nai ngày 20-4, Vedan cho biết mức thiệt hại của tỉnh này chỉ 8,4 tỉ đồng và do “muốn duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân địa phương, mong muốn nhanh chóng giải quyết vụ việc” nên Vedan tăng mức hỗ trợ lên 15 tỉ đồng.
Gây hậu quả nghiêm trong nhưng Công ty Vedan đưa ra mức bồi thường cho nông dân Đồng Nai quá thấp
Cơ sở cao nhất mà Vedan dựa vào để từ chối 1.585 tỉ đồng đòi bồi thường của 5.064 hộ dân Đồng Nai là kết quả mô phỏng ô nhiễm bằng mô hình Mike 21 do Viện Môi trường - Tài nguyên thực hiện.
Qua đó, viện và Vedan xác định công ty này gây ra ô nhiễm ảnh hưởng nặng đến 139,9 ha, ảnh hưởng vừa 345,58 ha và ảnh hưởng nhẹ 616,9 ha. Trong văn bản nêu trên, Vedan lại căn cứ vào số liệu thống kê hồi tháng 5-2009 của Đồng Nai, BR-VT và TPHCM, theo đó 8.883,71 ha bị thiệt hại trên 262 tỉ đồng, tức chia bình quân mỗi hecta bị thiệt hại 29 triệu đồng.
Theo ông Quang, con số thiệt hại 29 triệu đồng/ha là thiếu căn cứ và phỏng đoán. Với số tiền hỗ trợ ít ỏi này, Hội Nông dân Đồng Nai sẽ rất khó thuyết phục và vận động người dân nhận bồi thường nên còn chờ chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Cầu cứu Tổng cục Môi trường
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân BR-VT, cho biết thống kê cụ thể của các nơi cho thấy huyện Cần Giờ - TPHCM có 839 hộ dân với 2.123 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng, thiệt hại ước tính 107 tỉ đồng; tỉnh BR-VT có 1.134 hộ dân tại huyện Tân Thành bị thiệt hại ước tính hơn 191 tỉ đồng. Vừa qua, UBND tỉnh BR-VT đã xác định, rà soát lại và đề nghị Vedan bồi thường 53 tỉ đồng.
Thế nhưng mới đây, Vedan cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh BR-VT cho rằng số tiền nêu trên thiếu cơ sở và khi tỉnh kiểm kê, thống kê bồi thường không có đại diện Vedan làm chứng.
Ông Thống bức xúc: “Lần nào đến các hộ dân để xác minh, chúng tôi cũng mời nhưng Vedan không cử đại diện tham dự. Do đó, chúng tôi đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Môi trường đứng ra làm đầu mối và có ý kiến chính thức để trả lời cho người dân”.
Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, luật sư Hoàng Như Vĩnh, người được tổng giám đốc Công ty Vedan ủy quyền hợp pháp, cho biết Vedan đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh BR-VT giải thích cơ sở nào để đưa ra con số đòi bồi thường 53 tỉ đồng. Theo ông Vĩnh, sắp tới, Vedan sẽ làm việc cụ thể để đưa ra mức bồi thường thiệt hại cho nông dân BR-VT và TPHCM.
Chỉ đủ bù chi phí thu thập thông tin Hội Nông dân Đồng Nai cho rằng nông dân tỉnh này đứng đầu thiệt hại nhưng số tiền hỗ trợ chỉ 15 tỉ đồng nên TPHCM và Bà Rịa -Vũng Tàu, dù chưa có con số chính thức, cao nhất cũng chỉ khoảng 10 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)