Ngày 28-1, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên cùng đoàn công tác của bộ đã kiểm tra thực tế việc khắc phục ô nhiễm môi trường của Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam (Công ty Vedan VN, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Bộ trưởng khẳng định: “Công ty Vedan VN còn hoạt động thì các cơ quan chức năng phải còn tiếp tục kiểm tra!”.
Đề phòng xả trộm
Theo ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty Vedan VN, kể từ khi bị các cơ quan chức năng bắt quả tang Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, đến nay Vedan đã khắc phục khá tốt ô nhiễm bằng cách lắp đặt 3 trạm quan trắc nước thải tự động tại các cửa xả để nâng công suất xử lý nước thải lên 5.000 m³/ ngày đêm và liên tục truyền số liệu quan trắc nước thải tự động cho Tổng cục Môi trường và Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai.
Công ty còn gần 300.000 m³ nước thải tồn trữ trong 21 hồ sinh học cũng đã được xử lý và cam kết không xả thải vào hồ sinh học mà chuyển phương án cải tạo toàn bộ thành hồ sinh thái, đấu nối hệ thống xử lý nước thải. Hiện nay, Vedan chỉ thông qua 6 cửa xả riêng biệt đổ nước thải ra rạch Nước Lớn và sông Thị Vải.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra nước thải tại cửa xả ra sông Thị Vải
Kiểm tra thực tế tại cửa xả nước thải công nghiệp đổ ra sông Thị Vải, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Hồng Hà cùng múc nước tại cửa xả đưa lên mũi ngửi trực tiếp và xác định: Nước thải của Vedan đạt chuẩn cho phép.
“Tuy nhiên, tôi đề nghị Sở TN-MT Đồng Nai phải giám sát chặt các cửa xả. Dù đã có hệ thống quan trắc, giám sát tự động nhưng phải liên tục có người kiểm tra và quản chặt chất lượng nước đầu ra để đề phòng xả trộm”- ông Nguyên nói.
Tổng kiểm tra các nhà máy của Vedan
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết sau khi kết thúc kiểm tra tại Công ty Vedan VN, các cơ quan ngành môi trường sẽ tiếp tục triển khai đợt tổng kiểm tra tất cả các công ty khác của Vedan trên toàn quốc.
Bởi hiện nay Bộ TN-MT đã nhận được nội dung khiếu nại của dân về các nhà máy sơ chế củ mì tươi và bột mì bán thành phẩm của Vedan tại các tỉnh Hà Tĩnh, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Phước đang gây ô nhiễm.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhắc nhở: “Nếu Vedan muốn làm ăn để lấy lại uy tín và phát triển bền vững tại VN thì việc các công ty của Vedan tại 4 tỉnh này gây ô nhiễm, lãnh đạo công ty nên có kế hoạch chủ động xử lý trước, đừng để bộ kiểm tra phát hiện”.
Ông Yang Kun Hsiang phân trần: Các nhà máy sơ chế củ mì tươi mà bộ trưởng đề cập, Vedan đã chủ động xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy trình biogas khép kín.
Cụ thể, nhà máy sản xuất tinh bột mì ở Bình Phước và ở Gia Lai, Vedan đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đưa vào hoạt động từ năm 2009. Còn nhà máy tại Hà Tĩnh hiện chưa đi vào hoạt động, riêng nhà máy ở Bình Thuận đang đóng cửa vì đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa được UBND tỉnh thẩm định.
Phân trần về việc kéo dài bồi thường thiệt hại cho nông dân do chịu ảnh hưởng ô nhiễm của sông Thị Vải, ông Yang Kun Hsiang cho biết từ khi xảy ra vấn đề môi trường, Vedan chưa hề trốn tránh trách nhiệm, nhưng việc xác định Vedan ô nhiễm phải có căn cứ.
Hiện công ty đang phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên xem xét, chỉnh lý xác định lại một số nội dung. Sau khi có kết quả, Vedan sẽ chủ động gặp gỡ nông dân để thương thảo, dự kiến quý II/2010 sẽ bắt đầu triển khai bồi thường theo phương án cuốn chiếu.
Bình luận (0)