Đề tài có tên “Nghiên cứu về diễn biến hệ sinh thái sông Thị Vải do tác động của nước thải công nghiệp” do Viện Môi trường và Phát triển bền vững và Trường ĐH Tôn Đức Thắng phối hợp thực hiện. Theo đó, từ tháng 10-1994, khi tiếp nhận dòng nước thải từ nhà máy Công ty Cổ phần Vedan (Đồng Nai), số lượng thực vật và động vật phiêu sinh trên sông Thị Vải có dấu hiệu tăng đột biến và giảm mạnh trong thời gian sau đó do nguồn nước ô nhiễm kéo dài (có loài gần như về số 0), đồng thời bắt đầu xuất hiện các loài chỉ thị cho môi trường giàu và nhiễm bẩn chất hữu cơ như 8 loài tảo mắt thuộc chi Trachelomonas, trùng bánh xe...
Điều đó chứng tỏ nước thải từ xưởng sản xuất bột khoai mì đã ức chế khả năng quang hợp, sinh trưởng và phát triển của sinh vật phiêu sinh. Bên cạnh đó, chất lơ lửng từ dòng nước thải lắng đọng tạo lớp bùn nhão đen thối, hủy diệt toàn bộ khu hệ động vật đáy ở sông Thị Vải và các sông nhánh.
Hiện tại, sau khi không còn nguồn xả thải của Vedan, chất lượng nước sông Thị Vải đang được cải thiện và hệ thủy sinh vật cũng đang dần phục hồi.
Bình luận (0)