Tại cuộc họp, đại diện Công ty Vedan nhắc lại mức bồi thường đã đưa ra trong ngày 28-7 với các bộ và các cơ quan Trung ương cũng như lãnh đạo ba địa phương, cụ thể: Đồng Nai 60 tỉ đồng, BR-VT 40 tỉ đồng và TPHCM 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức này chỉ bằng 57% - 89% và 92% so với đề nghị của các địa phương này đưa ra là 119 tỉ đồng, 53,6 tỉ đồng và 45,7 tỉ đồng. Ông Lai nhấn mạnh: “Mức bồi thường như vậy là không thể chấp nhận được. Hiện làn sóng tẩy chay sản phẩm của Vedan tại VN là rất lớn, nếu tiếp tục, Vedan sẽ khó trụ lại VN”.
Sau hơn 4 giờ phân tích và thương lượng, Vedan đồng ý bồi thường 100% mức đề nghị của đại diện nông dân BR – VT và TPHCM là 53,6 tỉ đồng và 45,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, lấy lý do khó khăn về tài chính, Tổng Giám đốc Công ty Vedan Yang Kun Hsiang xin “trả góp” làm hai lần: Một tuần sau khi ký thỏa thuận giữa bên bồi thường và bên được bồi thường, Vedan sẽ trả 50%, đến đầu tháng 1-2011 sẽ trả 50% còn lại.
Đối với Đồng Nai, Vedan đưa ra mức bồi thường là 70 tỉ đồng nhưng đại diện tỉnh Đồng Nai đã không đồng ý vì cho rằng con số này quá thấp so với mức mà Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) đưa ra. Đại diện Vedan xin được làm việc với tỉnh Đồng Nai và IER vào ngày 13-8 để tính toán lần cuối về mức bồi thường thiệt hại cho nông dân. Đề nghị này đã được chấp nhận.
Vedan đã biết dừng đúng lúc
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, cho biết sẽ truyền đạt đến nông dân toàn bộ nội dung cũng như kết luận của cuộc họp, sau đó sẽ họp với các luật sư - những người được nông dân ủy quyền - để làm tiếp các bước về thủ tục pháp lý trong việc bồi thường của Công ty Vedan. Còn về việc có tiếp tục kiện Vedan hay không, tỉnh phải hỏi lại ý kiến nông dân vì đây là nguyện vọng của họ. Nếu nông dân quyết định nhận tiền hỗ trợ 53,6 tỉ đồng và không kiện Vedan, số tiền bồi thường sẽ được chuyển cho Hội Nông dân BR-VT (vì là đơn vị đại diện hợp pháp cho nông dân) để chi trả cho nông dân một cách đầy đủ.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, đại diện pháp lý cho nông dân huyện Cần Giờ - TPHCM, nhận định: “Kết quả hôm nay cho thấy Vedan đã biết dừng lại đúng lúc”. Theo luật sư Hậu, thông tin về cuộc họp sẽ được thông báo rộng rãi đến toàn bộ nông dân huyện Cần Giờ bị thiệt hại. Sau đó, Hội Nông dân và các luật sư đại diện pháp lý cho nông dân TPHCM sẽ có buổi làm việc với Vedan để ký thỏa thuận làm cơ sở pháp lý cho việc bồi thường cũng như bàn bạc phương thức chi trả bồi thường.
Bình luận (0)