Sáng 30-12, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) tràn ngập trong tang thương khi nhận thi thể của những học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa về sau vụ đuối nước tại bãi biển Cần Giờ, TP HCM trưa 29-12.
Hầu hết là con trai một
Từ Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm vượt qua hơn 10 km đường mòn dọc những lô cao su, chúng tôi đến gia đình em Đoàn Minh Tâm (SN 1999, lớp 9A6) ở ấp Bầu Cây Trâm, xã Thanh An.
Qua một đêm thức trắng, mẹ của Tâm khóc cạn nước mắt, giờ ngồi bất động bên xác con. Cha của Tâm, anh Đoàn Tấn Được, chỉ biết len lén nhìn vợ rồi lau nước mắt. Anh Được cho biết đến 23 giờ 30 phút ngày 29-12, lực lượng tìm kiếm mới tạm nghỉ vì nước lớn, trời tối. Lúc đó chỉ mới tìm được 2 thi thể. Còn 5 thi thể khác, trong đó có Tâm, chưa được tìm thấy nên anh tiếp tục dùng ánh sáng mù mờ của chiếc điện thoại rọi dọc bãi biển.
Đến gần 2 giờ ngày 30-12, anh Được rọi trúng một thi thể mặc áo đỏ nằm sấp dưới mặt nước. “Tôi lật cái xác lên nhưng không phải con tôi. Sau khi bàn giao cho công an, tôi lại đi tìm con. Đến khoảng 6 giờ thì người ta báo đã tìm ra con tôi. Trời sao ác vậy. Tôi chỉ có thằng Tâm là con trai sao nỡ cướp của tôi?” - anh Được nức nở.
Trong sáng 30-12, 7 thi thể lần lượt được đưa về nhà ở huyện Dầu Tiếng. Ông Đoàn Minh Đức - phó phòng tổ chức Công ty Cao su Dầu Tiếng, cũng là bác ruột của học sinh Tâm - nói: “Tôi có xuống tận Cần Giờ cùng các phụ huynh. Tôi phát hiện tất cả các cháu chết đều là con trai duy nhất của các gia đình, thậm chí có cháu là con một. Nỗi đau này đúng là không thể tưởng tượng”.
Trong 7 học sinh tử nạn có 4 em cư ngụ ở thị trấn Dầu Tiếng (gần trường), 3 em còn lại cư ngụ ở các xã lân cận. Trong 4 đám tang gần trường, đám tang của em Nguyễn Phan Thành Lâm (SN 2000, lớp 8A6) có đông bạn bè tới nhất. Các học sinh có mặt đều khóc ngất trước cảnh bố mẹ Lâm níu kéo khi mọi người khâm liệm con mình.
Mẹ của Lâm là chị Phan Thị Nga cứ kêu gào: “Lâm ơi, chị con là con gái, mẹ trông chờ mãi mới có được con là chút trai. Sao con chết trẻ vậy Lâm ơi”. Một nữ học sinh kể Lâm là lớp trưởng của lớp 8A6, luôn là học sinh giỏi của lớp. Ngoài bạn Lâm, trong vụ này trong lớp còn 2 bạn khác chết chung nữa”.
Vào vùng cấm tắm
Trao đổi với chúng tôi trước cổng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc trước việc nhà trường tổ chức cho học sinh tắm biển trong ngày thời tiết lạnh giá, lại không tính trước các phương án rủi ro khi tắm để xử lý.
Ông Đoàn Minh Đức nói: “Tại hiện trường, tôi thấy vùng các cháu tắm là nơi đang thi công công trình lấn biển. Người ta đã treo biển nguy hiểm, cấm tắm. Vậy mà một thầy giáo và học trò lại cùng xuống đó ngụp lặn. Mà tôi thấy nhà trường tắc trách, trước khi tổ chức tắm không chuẩn bị bất cứ đồ bảo hộ, dụng cụ cứu nạn gì cả. Ngay cả chiếc ca-nô được điều đến hiện trường sớm nhất cũng bị hư máy. Sau này, nhiều cơ quan vào cuộc thì việc tìm xác mới diễn ra cấp tập”. Anh Đoàn Tấn Được bức xúc: “Tối hôm nước biển rút, tôi mới nhận ra chỗ con tôi tắm mặt đất như cái lòng chảo. Nguy hiểm vậy mà nhà trường không biết gì”.
Sáng cùng ngày, chúng tôi mang theo những bức xúc trên đến chất vấn lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thấy phóng viên đến, bảo vệ trường liền đóng cửa. Học sinh trong trường đến giờ tan học buộc phải đi cửa sau.
Trao đổi với phóng viên tại đám tang, ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, khẳng định sở sẽ kiểm điểm nhà trường, trách nhiệm từng cá nhân để xảy ra tắc trách và sẽ xử lý nghiêm. Ông Phương cho biết thêm là đã gọi điện khẩn yêu cầu tất cả các trường ngừng ngay mọi hoạt động dã ngoại đến hết năm học.
Hỗ trợ 24 triệu đồng/gia đình nạn nhân
Sáng 30-12, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dẫn đầu đoàn gồm hàng chục cán bộ của nhiều ban, ngành trong tỉnh đến huyện Dầu Tiếng chia buồn với gia đình các nạn nhân. Bước đầu, tỉnh hỗ trợ gia đình mỗi học sinh bị chết 24 triệu đồng. UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ gia đình mỗi em 5 triệu đồng.
Bình luận (0)