xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây hồ sinh học coi chừng... thừa !

Bài và ảnh: Thu Sương

Nếu tỉnh Bình Dương không kiểm soát được nguồn xả thải thì hồ sinh học với số tiền đầu tư 21 tỉ đồng sẽ không phát huy tác dụng

Có cần thiết xây hồ sinh học, chất lượng xử lý nước thải của hồ này như thế nào trong dự án cải tạo ô nhiễm trên kênh Ba Bò... Những nội dung này đã được các đại biểu đặt ra với chủ đầu tư là Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là Trung tâm Chống ngập) trong cuộc họp ngày 10-11.

TPHCM xây, Bình Dương xả


Trong phương án cải tạo kênh Ba Bò của Trung tâm Chống ngập, có việc sẽ xây dựng thêm một hồ sinh học bên cạnh hồ điều tiết rộng khoảng 2,4 ha với tổng kinh phí đầu tư khoảng 21 tỉ đồng (chưa kể kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng) có chức năng xử lý bổ sung, cải tạo chất lượng nước trước khi đổ ra sông Sài Gòn.

img
Một đoạn ô nhiễm ờ kênh Ba Bò

Sự có mặt của hồ sinh học được ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Chống ngập, lý giải: Do hệ thống xử lý nước thải của Bình Dương đã quá tải, không bảo đảm được chất lượng nguồn nước đổ ra, bên cạnh đó, nguồn nước kênh Ba Bò đang bị ô nhiễm vi sinh nghiêm trọng nhưng không bị ô nhiễm kim loại nên giải pháp hồ sinh học được đặt bên cạnh hồ điều tiết để đón đầu xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn là hợp lý.

Vốn dự án tăng gấp đôi

Dự án cải tạo kênh Ba Bò được UBND TPHCM phê duyệt gồm các hạng mục: xây dựng tuyến kênh chính Ba Bò dài 1.700 m và tuyến kênh nhánh dài 865 m,  hồ điều tiết rộng 6 ha. Dự án gồm 6 gói thầu xây lắp, trong đó có 2 gói đã khởi công, một gói dự kiến khởi công trong tháng 11- 2009, ba gói còn lại đang chờ điều chỉnh dự án để tiến hành thiết kế bản vẽ thi công. Số vốn đầu tư ban đầu là  307,071 tỉ đồng, sau đó do có một số thay đổi trong các hạng mục như: xây hồ sinh học, trồng cây xanh cách ly, bồi thường giải phóng mặt bằng... nên kinh phí dự kiến tăng lên hơn 744 tỉ đồng.

Trước băn khoăn của nhiều người về hiệu quả của chất lượng nước sau khi qua xử lý của hồ sinh học, ông Lê Long, đại diện Công ty Cổ phần Thiết kế và Tư vấn xây dựng Hà Nội (đơn vị thiết kế hồ sinh học), khẳng định chất lượng nước thải đầu ra sẽ đạt loại B theo tiêu chuẩn VN. “Chúng tôi không xem hồ sinh học như giải pháp cuối cùng hay cây đũa thần để xử lý ô nhiễm kênh Ba Bò mà đây chỉ là giải pháp bổ sung. Hồ sinh học chỉ có chức năng xử lý nước thải khi các KCN kiểm soát được nguồn thải”-ông Thảo nói.

 
Tuy nhiên, giải thích của ông Thảo đã không thuyết phục được các đại biểu dự họp vì trên thực tế, đơn vị quản lý đầu nguồn của kênh Ba Bò là tỉnh Bình Dương đến nay vẫn chưa kiểm soát được nguồn xả thải và nước từ các KCN vẫn đang đổ vào kênh Ba Bò và hồ điều tiết. PGS- TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho rằng: “Nếu hệ thống xử lý bên Bình Dương quá tải thì chắc chắn hồ này cũng sẽ quá tải, không nên vì lý do quá tải ở Bình Dương mà xây hồ sinh học để xử lý”.

Đại diện Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cũng cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây, sở đã phát hiện nước thải công nghiệp từ KCN Sóng Thần xả vào kênh Ba Bò. Lượng nước này không phải đi từ hệ thống xử lý nước thải mà đi ra từ bể chứa (tức là chưa được xử lý).

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM, cung cấp thêm: Trong chuyến khảo sát kênh Ba Bò ngày 4-11 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường TP, ông đã lấy mẫu nước tại cổng xả trước KCN Đồng An và gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ COD và chất rắn lơ lửng trong nước vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều. “Qua đó cho thấy nước thải từ các KCN đổ vào kênh Ba Bò vẫn chưa được kiểm soát!”- ông Khoa khẳng định.


Nên triển khai sau


Đại biểu HĐND TP Lê Văn Trung đặt vấn đề: Nếu Bình Dương không kiểm soát được chất lượng nước thải thì hồ sinh học cũng không xử lý được. Ngược lại, nếu tỉnh Bình Dương kiểm soát được chất lượng nước đầu ra ở các KCN bảo đảm thì có cần hồ sinh học nữa hay không? Nếu TP có kinh phí cần kế hoạch dự phòng về lâu dài mà đề ra phương án xây hồ sinh học thì được, Trung tâm Chống ngập có trách nhiệm giải trình trước TP về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Trung, việc xây dựng hồ sinh học nên triển khai sau, trước mắt, cần tập trung những hạng mục chính để đẩy nhanh tiến độ. “Còn nếu cứ tập trung coi xây dựng hồ sinh học để giải quyết vấn đề môi trường thì dự án này chẳng bao giờ xong!”.


Ý kiến của ông Trung được hầu hết đại biểu tán thành. Theo đó, giải pháp hồ sinh học là một giải pháp dự phòng trong trường hợp hệ thống xử lý nước thải của Bình Dương gặp sự cố, khi đó hồ sinh học sẽ là nơi “tạm trú” của nước thải chưa qua xử lý. 

Còn giải pháp căn cơ và gốc rễ nhất để cải thiện được chất lượng nước kênh Ba Bò là TPHCM và Bình Dương phải phối hợp kiểm soát nguồn xả thải công nghiệp cũng như sinh hoạt trong khu vực.


Nước thải chưa qua xử lý vẫn tràn kênh


Theo ghi nhận của phóng viên Báo NLĐ, hiện tình trạng xả rác, nước thải sinh hoạt của 800 hộ dân và hơn 2.500 phòng trọ sống dọc hai bên bờ kênh Ba Bò phía thượng nguồn đến nay vẫn còn. Đáng nói, kênh Ba Bò còn phải tiếp nhận nguồn nước thải tích tụ lâu năm của hồ chứa nước thải trong KCN Sóng Thần 1. Hồ chứa này có diện tích 1,7 ha dùng chứa các nguồn nước thải của hai KCN Sóng Thần 1 và Sóng Thần 2 (tỉnh Bình Dương) từ năm 1997 khi hai KCN này chưa có nhà máy xử lý nước thải (đến năm 2001 và 2003, hai KCN này mới có nhà máy xử lý nước thải). Tuy nhiên, các chất thải tích tụ lâu năm trong hồ này đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo kế hoạch, việc xử lý sẽ hoàn tất vào cuối tháng 6-2009 nhưng mới đây, Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ (chủ đầu tư KCN Sóng Thần 1) đã đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Bình Dương cho điều chỉnh tiến độ và đã được gia hạn thời gian thực hiện làm sạch hồ chậm nhất là trước tháng 12-2009. Tuy vậy, việc làm sạch hồ này chỉ ở mức bắt đầu xét đấu thầu và dự kiến đến tháng 12-2009 mới bắt đầu tiến hành nạo vét bùn từ hồ chứa lên để xử lý.


Theo các chuyên gia về môi trường, chất lượng nước trên kênh Ba Bò hiện chưa được cải thiện bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do phải hứng nước thải từ hồ chứa trong KCN Sóng Thần 1 và nước thải của khu dân cư chưa được xử lý.
 
Nếu không xử lý triệt để từ đầu nguồn thì chất lượng nước kênh Ba Bò khó được cải thiện. Ông Tào Mạnh Quân, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết có nghe phản ánh của người dân về việc nước kênh Ba Bò đen trở lại và nghi ngờ vẫn còn tình trạng doanh nghiệp xả trộm nước thải hay chưa đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. “Trong tuần sau, Sở Tài nguyên-Môi trường Bình Dương và các ngành chức năng sẽ tiến hành thanh tra các tuyến cống xả nước thải, nước mưa của hai KCN Sóng Thần 1 và 2 xả ra kênh Ba Bò”- ông Quân cho biết.

Văn Hùng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo