Cả bên cung cấp và bên nhận khí thiên nhiên (CNG - Compressed Natural Gas) cho xe buýt đều tuyên bố hợp đồng cung cấp CNG thí điểm sẽ hết hạn vào ngày 5-6.
Đồng thời từ ngày 1-7, nếu không có tối thiểu 20 xe buýt chạy CNG tiếp nhận nguồn nhiên liệu này thì nguy cơ 2 xe buýt thí điểm chạy CNG phải trùm mền vì bên cung cấp khí không thể bấm bụng chịu lỗ.
Lăn bánh được một tháng nhưng xe buýt CNG có nguy cơ tạm ngừng
vì hợp đồng giao ước giữa đơn vị quản lý xe và nhà cung cấp khí đang “trục trặc”
Đầu tư tiền tỉ nhưng không ưu đãi
Trong hợp đồng liên kết kinh doanh khai thác trạm cấp khí CNG giữa Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam và Liên hiệp HTX Vận tải TP giao ước thời gian cung cấp CNG thí điểm cho 2 xe buýt (một của liên hiệp và một của Công ty Xe khách Sài Gòn quản lý) sẽ hết hạn vào ngày 5-6.
Và đến ngày 1-7, bên cung cấp khí sẽ cung cấp tối thiểu CNG cho 20 xe hoạt động. Lo ngại hợp đồng không khả thi nên đến nay ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, vẫn chưa dám ký.
Nguyên nhân: Số xe này chưa thể đầu tư ngay. Ông Hải lý giải: “20 xe này dự kiến do khối liên hiệp HTX và Công ty Xe khách Sài Gòn đầu tư. Là đơn vị Nhà nước nên phía Công ty Xe khách Sài Gòn đang làm dự án vay vốn đầu tư xe trình Chính phủ phê duyệt. Riêng khối HTX, chúng tôi kiến nghị không làm dự án mà đang chờ ý kiến của TP về việc ưu đãi lãi suất vay để đầu tư xe nhưng đến nay chưa có hồi âm”.
Ngoài chờ đợi ưu đãi về lãi suất, ông Hải cho rằng khối doanh nghiệp, HTX vẫn chưa mặn mà lắm khi đầu tư xe buýt CNG. Bởi đầu tư một xe mới chạy CNG tốn gần 2 tỉ đồng, chưa kể khi nhập xe về phải đóng thuế nhập khẩu, thuế trước bạ... tốn hơn 300 triệu đồng.
“Nếu Nhà nước không hỗ trợ, ưu đãi các loại thuế thì doanh nghiệp khó lòng kham nổi” - ông Hải than phiền. Ngoài ra, các HTX kiến nghị được hưởng mức chênh lệch giữa giá dầu diesel và CNG nhưng Sở Tài chính chưa có ý kiến.
Ông Hải dẫn chứng: Hiện tại, chiếc xe buýt chạy CNG của Liên hiệp HTX qua thời gian thí điểm vận hành rất tốt, xe chạy êm, không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm 40% chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, HTX vẫn không được hưởng đồng nào từ tiền chênh lệch nên “hơi buồn”, khó thu hút xã viên bỏ vốn đầu tư.
Ông Hải lo lắng: “Nếu đến thời hạn 1-7 mà chưa có đủ số xe như yêu cầu, khả năng bên cung cấp khí sẽ ngưng cung cấp, 2 chiếc xe buýt phải trùm mền. Lúc đó, liên hiệp chỉ còn cách làm đơn... xin gia hạn!”.
Xem xét gia hạn cung cấp CNG !
Ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), cho biết: “Về nguyên tắc, chúng tôi có quyền ngưng cung cấp khí. Vì thực tế nếu đặt trạm con tại quận Tân Bình rồi mỗi ngày phải vận chuyển khí từ trạm mẹ ở Bà Rịa - Vũng Tàu về đây mà chỉ cung cấp cho 2 xe buýt thì không hiệu quả, chưa kể phải tốn nhiều chi phí vận hành”.
Tuy nhiên, theo ông Nhuộm, do là đơn vị tiên phong và mong chờ tính hiệu quả của mô hình này nên công ty sẽ vẫn cung cấp CNG cho 2 xe buýt trên thêm 1- 2 tháng nữa.
Nếu đến lúc đó mà vẫn chưa có đủ số xe thì công ty sẽ gửi văn bản cho tập đoàn xin ý kiến xử lý! Trước đó, để chuẩn bị cung cấp CNG cho hệ thống xe buýt của TPHCM, Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam đã xây dựng 2 trạm mẹ đặt tại TP Vũng Tàu có công suất 50 triệu m3 khí/năm và nhiều trạm con (trong đó một trạm đặt ở quận Tân Bình, cung cấp khí cho hệ thống xe buýt tại TPHCM có công suất nạp liên tục cho 50 xe/ ngày).
Mới đây, tại cuộc họp với Liên hiệp HTX Vận tải TP, khối liên hiệp HTX đã nêu khó khăn này với lãnh đạo Sở GTVT TP. Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết sở sẽ có văn bản trình UBND TP xin cơ chế ưu đãi về lãi suất cho các đơn vị đầu tư xe. Ngoài ra, sở sẽ đề xuất UBND TP chấp thuận cho các doanh nghiệp, HTX hưởng mức chênh lệch giữa giá dầu diesel và giá CNG.
CNG: Tiết kiệm, không ô nhiễm
CNG là hỗn hợp khí có nguồn gốc từ dầu mỏ, là nhiên liệu sạch, không gây ô nhiễm. Hiện chưa thể đưa ra mức giá cụ thể nhưng với trữ lượng khí dồi dào hiện có ở Việt Nam thì giá của CNG chỉ gần bằng 50% giá xăng, dầu. Ngoài giá rẻ, ưu điểm giảm thiểu ô nhiễm môi trường của nhiên liệu này không thể phủ nhận. Một chiếc xe buýt sử dụng CNG sẽ giảm 60% lượng carbon monoxide (CO) và 10% nitrogen oxide (NO), hai loại khí gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Theo Sở GTVT TPHCM, dự kiến tháng 4-2010 sẽ đưa 50 xe buýt chạy CNG vào sử dụng, đến năm 2011 sẽ có 500 xe và năm 2015 là 1.500 xe. |
Bình luận (0)